ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An): Không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án nhà ở thương mại

20220111060429hinhanh.jpg

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật tại kỳ họp này, chúng ta đang sử dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật, lại theo quy trình rút gọn, vì vậy, đề nghị, chỉ xem xét, thông qua những nội dung cấp bách, thực sự là điểm nghẽn, điểm vướng mắc đã được làm rõ, đã có sự thống nhất cao, không còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do dự luật lần này điều chỉnh nhiều vấn đề tách biệt, không liên quan đến nhau về mặt nội dung, nên đề nghị khi biểu quyết thông qua luật này, cần biểu quyết riêng từng nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các dự án luật trước khi biểu quyết thông qua toàn dự án luật.

Riêng về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, tôi kiến nghị trước mắt chỉ sửa đổi, bổ sung để làm rõ và hiểu thống nhất về các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án nhà ở thương mại, vì vấn đề này cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành thí điểm về nội dung này ở một số địa phương trước khi tổng kết, luật hóa khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai sửa đổi.

Quốc hội cần tổng kết, đánh giá việc sử dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật để áp dụng một cách thống nhất, chặt chẽ trong thời gian tới.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh): Cần có quy định riêng về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế

20220111060632hinhanh.jpg

Về Luật Đấu thầu, theo dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội sắp xem xét, thông qua, có dành 60 nghìn tỷ đồng để mua sắm các gói về trang thiết bị y tế. Quy định của Luật Đấu thầu hiện nay còn nhiều bất cập. Quốc hội cũng đã có dự kiến sửa đổi toàn bộ quy định của Luật Đấu thầu. Do đó, tôi đề xuất cần có quy định riêng về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Bởi lẽ, việc mua sắm trang thiết bị y tế có những đặc thù riêng, do đó việc quy định chung như Luật Đấu thầu hiện nay cũng chưa phù hợp. Quy định một đặc thù riêng trong việc mua sắm trang thiết bị y tế sẽ góp phần thúc đẩy việc mua sắm trang thiết bị y tế và khắc phục những khó khăn hiện nay.

Về Luật Thi hành án dân sự, theo điểm a khoản 1 Điều 57 (sửa đổi) thì có nội dung quy định về việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc ủy thác phải thực hiện ngay khi có căn cứ ủy thác. Tôi đề nghị quy định cụ thể thời gian thực hiện ngay, không quy định chung chung như hiện nay. Đồng thời, bổ sung quy định về việc cơ quan nhận ủy thác phải thực hiện việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 130 Luật Thi hành án dân sự. Vì nếu thực hiện theo thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 (sửa đổi) sẽ không bảo đảm được yêu cầu về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông): Nghiên cứu bổ sung các dự án thuộc nhóm B, C vào đối tượng đầu tư công

20220111060744hinhanh.jpg

Đối với Luật Đầu tư công năm 2019, tại khoản 1 Điều 5 - đối tượng đầu tư công, quy định đối với đầu tư chương trình dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án độc lập đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định, đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.

Trên thực tế, việc bồi thường giải phóng mặt bằng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện giải ngân, kế hoạch vốn đầu tư công ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội tại vùng dự án, nên việc tách riêng bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư. Theo quy định tại khoản 1, Điều 5 thì việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập chỉ quy định đối với dự án quan trọng quốc gia, tức dự án nhóm A. Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù như tỉnh Đắk Nông và một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, thì việc đầu tư các dự án chủ yếu là những dự án nhóm B, C, tiến độ thực hiện dự án trì trệ, kéo dài, gây lãng phí quỹ đất trong một thời gian nhất định. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các dự án thuộc nhóm B, C vào đối tượng đầu tư công...

ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình): Bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các luật

20220111060845hinhanh.jpg

Việc thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật trình Quốc hội lần này sẽ tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, củng cố an ninh, thể hiện rõ ràng sự quyết tâm trong công tác xây dựng luật pháp - một trong ba khâu đột phá về thể chế, chính sách hạ tầng mà Quốc hội Khóa XV đã đặt ra.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Việc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết, nhằm bảo đảm đồng bộ với đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này. Tuy nhiên, về khả năng của đội ngũ cán bộ các tỉnh làm việc với đối tác nước ngoài cũng là vấn đề cần tính toán, chuẩn bị kỹ càng. Chính phủ cũng cần có quy định rõ ràng, hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện.

Về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, dự thảo đề xuất sửa đổi theo hướng phân cấp cho các địa phương, UBND tỉnh trong việc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị. Qua đó, phân cấp mạnh mẽ hơn, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc triển khai các dự án phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, nếu chỉ thực hiện phân cấp tăng thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị thông qua điều chỉnh Luật Đầu tư mà chưa điều chỉnh các pháp luật khác có liên quan thì việc phân cấp vẫn chưa triệt để, chưa đồng bộ giữa các luật. Thực tế khi thực hiện sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do vậy, đề nghị xem xét điều chỉnh các pháp luật khác nhau có liên quan, bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư để thuận lợi trong quá trình thực hiện, tránh chồng chéo, vướng mắc giữa các luật.

Về một số nội dung cụ thể tại Luật Điện lực, trước hết, tôi cho rằng, việc xây dựng hệ thống truyền tải và sự cho phép tư nhân tham gia sẽ nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân. Đồng thời, việc xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực sẽ hỗ trợ phát triển nhanh chóng hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, trước lo ngại việc xã hội hóa phân bổ nguồn điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh, đại biểu cho rằng, nếu Nhà nước quản lý, vận hành tốt sẽ không ảnh hưởng gì mà còn có lợi cho dân. Chính vì thế, cần có quy hoạch mạng lưới truyền tải điện rõ ràng, phân định công đoạn nào là độc quyền của Nhà nước, công đoạn nào tư nhân có thể tham gia xã hội hóa để có quản lý rõ ràng, vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa phát triển được hệ thống điện quốc gia nhưng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân cùng được hưởng lợi.

Diệp Anh