Bổ sung, điều chỉnh các giải pháp cụ thể, sát thực tế

Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Nghệ An duy trì được đà tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%) và cao hơn bình quân cả nước (6,42%). Thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với tỷ lệ tán thành cao, tạo căn cứ pháp lý và động lực quan trọng để huy động tối đa các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

z5619671189549_335cb51d4e4b3bc59629cddf65daf8c9.jpg
Các đại biểu tham gia phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: H. Phong

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An nhìn nhận: kinh tế của tỉnh đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt kịch bản đề ra, khu vực dịch vụ tăng thấp; cơ cấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa thật sự bền vững; công tác cải cách hành chính, quản lý Nhà nước trên một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn hạn chế... Bên cạnh đó, một số Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững..., nguồn vốn đầu tư công giải ngân còn chậm.

Do đó, để bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2024 đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; nâng cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới, sáng tạo để đưa Nghệ An phát triển mạnh mẽ, toàn diện, sớm trở thành trung tâm kết nối của khu vực Bắc Trung Bộ.

Để làm được điều trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu các đại biểu ưu tiên thảo luận, đánh giá cụ thể, khách quan, toàn diện việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; nhất là các chỉ tiêu dự kiến khó đạt trong năm 2024 và ảnh hưởng đến cả nhiệm kỳ, như: tốc độ tăng trưởng; thu ngân sách; GRDP bình quân đầu người; tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm... Cùng với đó, đề xuất bổ sung, điều chỉnh các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Duy Cần phản ánh: hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh có quá ít trường THPT công lập, dẫn đến nhiều phụ huynh, học sinh e ngại không đạt điểm đậu vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố nên đã chấp nhận đi học xa. “Một số học sinh sau khi thi đậu, học ở các trường huyện một thời gian sẽ có hướng chuyển về học ở thành phố Vinh, lúc đó lại gây áp lực cho các trường của thành phố”, đại biểu nêu thực tế.

z5619671177600_726be4063ea89713691c04e5f9b2ecbc.jpg

Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII ưu tiên dành nhiều thời gian cho thảo luận, mở rộng hơn nội dung, lĩnh vực chất vấn... Do đó, các đại biểu HĐND tỉnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu. Đặc biệt, từ thực tiễn sinh động, phong phú của địa phương, ngành, lĩnh vực công tác, đại biểu cần tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp ý kiến tâm huyết, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI THANH QUÝ

Thảo luận tại tổ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Duy Cần cũng nêu thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ một số nơi trong tỉnh; cơ sở vật chất của các nhà trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt ở các điểm trường, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học… Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh, chính quyền các cấp, ngành giáo dục và đào tạo quan tâm xử lý để đáp ứng yêu cầu dạy và học, nhất là tại thành phố Vinh.

Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh cũng nêu ý kiến: xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao… Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Do đó, ngành giáo dục làm rõ kết quả, giải pháp xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh - đại biểu đề nghị.

Giải trình những vấn đề đại biểu nêu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Mai cho biết: trước áp lực tuyển sinh trên địa bàn thành phố Vinh, ngành đã tham mưu để thành lập phân hiệu 2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. “Năm học 2024 - 2025, do tăng đột biến về quy mô dân số trong độ tuổi, ngành đã có giải pháp tăng sĩ số tuyển sinh, số lớp trong các trường THPT công lập ở mức tối đa có thể, từ đó tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được học THPT công lập khi chưa mở thêm được trường”, ông Mai thông tin.

Đối với mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay, có 77,3% số trường trên toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia với 1.104/1.427 cơ sở giáo dục công lập; còn lại 323 trường chưa được công nhận, trong số này có những trường đã được công nhận, nhưng đến nay quá thời hạn chưa kiểm tra công nhận lại… “Chắc chắn, đến năm 2025 sẽ đạt 75 - 78% tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra" - ông Võ Văn Mai khẳng định.