ĐỔI THAY TỪ NHỮNG CON ĐƯỜNG MỚI
Từ đầu năm 2023, trên các tuyến đường giao thông huyết mạch của thành phố Vinh có những sự thay đổi rõ nét, với những cung đường rộng rãi và hiện đại hơn. Đó là nhờ các cấp, ngành đã dành nguồn lực lớn xây dựng hạ tầng giao thông với nhiều công trình, dự án trọng điểm giúp gỡ các “nút thắt” về giao thông, ngập lụt, như mở rộng các giao lộ, chống ùn tắc giao thông đường Lý Thường Kiệt, đường 18m nối Quốc lộ 46 với Đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường Hải Thượng Lãn Ông...
Nhiều công trình sau khi hoàn thành đã phát huy tác dụng tích cực, giúp đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân khởi sắc hơn. Ví như công trình cải tạo vỉa hè đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Nguyễn Sỹ Sách) đã xong, đưa vào sử dụng vừa chống được ngập lụt, vừa thông thoáng; cải tạo Bulva đường Lê Mao; cải tạo, chỉnh trang đảo giao thông nút giao đường Trường Thi, Trần Phú và Lê Duẩn...
Bên cạnh đó, công trình “đại lộ nghìn tỷ” nối Vinh - Cửa Lò hiện đang bước vào thi công giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2024 sẽ là đại lộ lớn nhất tỉnh Nghệ An, tạo ra trục giao thông kết nối mạnh mẽ khu vực đô thị là TP.Vinh và các vùng phụ cận, mở ra thuận lợi lớn trong phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Ởcác huyện miền Tây, những con đường được xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương, di chuyển của người dân, doanh nghiệp. Tại huyện Kỳ Sơn, một trong những tuyến đường giao thông trọng điểm đã được hoàn thành, có tác động tích cực đến đời sống người dân phải kể đến tuyến đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền.
“Trước đây, ở xã Na Ngoi muốn đến Ta Đo, Mường Típ phải vòng ra thị trấn Mường Xén, qua xã Tà Cạ. Song từ khi tuyến đường mới hoàn thành, chúng tôi có thể đi thẳng từ xã Na Ngoi đến Mường Ải, Mường Típ, rút ngắn được hơn một nửa quãng đường so với trước” - Bí thư Chi bộ Phù Khả 1, xã Na Ngoi Vừ Bá Tồng bày tỏ.
Ở khu vực miền Tây Nghệ An, giao thông được xem là yếu tố hàng đầu “đi trước mở đường” cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Khi các tuyến đường được mở, người dân được hưởng lợi đầu tiên. Ví như tuyến đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền vừa được đưa vào sử dụng trong năm 2023, giúp “thông chốt” các khó khăn, ách tắc về đường vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân huyện Kỳ Sơn, rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các địa phương trong huyện.
Trong năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh, đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền đoạn Km7-Km26 là một trong nhiều dự án giao thông trọng điểm hiện đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, còn có các dự án như: Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn Km76-Km83+500; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15 đoạn KM301+500-Km315+700 và Km327+600-Km330.
Nghệ An hiện có 8 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh; gồm 3 tuyến dọc hướng Bắc - Nam, 5 tuyến ngang hướng Đông - Tây nối với Lào và tuyến đường xuyên Á từ nước Lào qua Cửa khẩu Thanh Thủy đến cảng Cửa Lò và Đông Hồi. Đến nay, Nghệ An đã cải tạo, nâng cấp 1.900 km đường quốc lộ. Bên cạnh đó, đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận tỉnh Nghệ An dài 134 km, tạo ra sự đột phá về kết cấu đường bộ, kết nối Nghệ An - trung tâm vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với cả nước.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn
Hiện tỉnh Nghệ An đang đẩy nhanh tiến độ thi công phần còn lại đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2); đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ); Nâng cấp, mở rộng QL15 đoạn tuyến tránh Khu di tích lịch sử Truông Bồn; Cải tạo, sửa chữa đường tỉnh 539C đoạn Km7-Km16+500...
Đối với giao thông đường thủy, Dự án Cảng nước sâu Cửa Lò tính đến thời điểm này, nhà đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có Thông báo số 793/TB-UBND ngày 24/10/2023 thống nhất các nội dung điều chỉnh dự án theo báo cáo của nhà đầu tư gồm: quy mô 3 bến, diện tích sử dụng đất khu hậu phương cảng là 32 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6.949 tỷ đồng, tiến độ hoàn thành dự án vào quý I/2028.
Tiếp đó là Dự án mở rộng, cải tạo sân đỗ máy bay - Cảng Hàng không quốc tế Vinh cũng đang dần hoàn thiện các bước thủ tục. Dự án đã được Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam bổ sung vào kế hoạch đầu tư phát triển năm 2023 của Tổng Công ty tại Nghị quyết số 387/NQ-HĐQT ngày 16/8/2023, hiện nay, nhà đầu tư đang trình hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về hệ thống cảng biển, hiện cảng Cửa Lò đóng vai trò đầu mối kết nối giao thương đường thủy quan trọng, thuộc tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối Lào, Thái Lan, Myanmar với Biển Đông theo Quốc lộ 7. Bên cạnh đó, còn có cảng quốc tế Vissai, có thể tiếp nhận tàu 70.000 DWT, dự kiến giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm 1 bến cảng, đưa Cảng Vissai trở thành cảng quốc tế đa dạng, có thể đón tàu 100.000 DWT.
Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện thủ tục thu hút đầu tư một số cảng như cảng cạn IDC, cảng Đông Hồi, cảng nước sâu Cửa Lò quy mô dự kiến 3.300 tỷ đồng... Trong đó, cảng Đông Hồi đã quy hoạch để thu hút đầu tư xây dựng phục vụ trực tiếp Khu Công nghiệp Đông Hồi và các khu công nghiệp lân cận, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho khu vực Bắc Nghệ An.
Về đường thủy nội địa, hiện Nghệ An đang khai thác 8 tuyến, tổng chiều dài 263 km, đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến vận tải thủy ven biển phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa đi lại, kết nối du lịch, dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã và đang cải tạo, nâng cấp duy trì khai thác 84 km đường sắt hiện có để kết nối tỉnh Nghệ An với các địa phương trên hành lang Bắc - Nam.
Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa qua (tháng 9/2023), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, giai đoạn 2013-2020, theo thống kê, ngân sách Trung ương, địa phương đã huy động đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông Nghệ An khoảng 24.426 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 12.500 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt, nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.