Khoảng 2.000 cán bộ, công chức Nghệ An dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính
Chưa giải quyết hết dôi dư do sắp xếp ở giai đoạn 2019 - 2021
Xã Hưng Nghĩa (huyện Hưng Nguyên) thời điểm sau sáp nhập (đầu năm 2020), địa phương dôi dư 12 cán bộ, công chức. Đến thời điểm này, sau gần 4 năm, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đã tinh giản 6 cán bộ, công chức theo hình thức nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc.
Theo quy định xã loại II như Hưng Nghĩa, tổng số cán bộ, công chức được bố trí là 20 người, trong khi đó hiện tại xã có 26 cán bộ, công chức, trong đó số cán bộ chuyên trách đủ theo “khung” và dôi dư còn lại đều rơi vào công chức.
Đồng chí Trần Xuân Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Nghĩa cho biết: Mốc lộ trình giải quyết dôi dư cán bộ, công chức Trung ương cho phép đến ngày 31/12/2024, nghĩa là chỉ hơn 1 năm nữa, trong khi 6 công chức dôi dư hiện tại đều dưới 40 tuổi, có trình độ chuyên môn đại học và cơ bản có trình độ trung cấp chính trị. Bởi vậy, để vận động công chức thôi việc là vô cùng khó khăn; trong khi đó muốn “buộc” họ nghỉ để tinh giản chỉ khi họ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp. Tuy nhiên hiện nay, việc tuyển dụng số công chức do cấp huyện và việc đánh giá, xếp loại công chức lại theo ngành dọc cấp trên, nên yêu cầu cơ sở tinh giản là vấn đề khó cho địa phương.
Huyện Hưng Nguyên là địa phương có số xã sáp nhập nhiều nhất tỉnh trong giai đoạn 2009 - 2021, từ 10 xã nhập thành 5 xã; số cán bộ, công chức dôi dư là 96 người. Cùng với thực hiện đưa công an chính quy về xã và thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ (thay thế Nghị định 92), tổng số cán bộ, công chức dôi dư của huyện Hưng Nguyên là 114 người.
Theo chia sẻ của đồng chí Hoàng Nghĩa An - Trưởng phòng Nội vụ huyện Hưng Nguyên, xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Hưng Nguyên đặc biệt nêu cao vai trò trách nhiệm của người đầu cấp uỷ, chính quyền cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ hoặc chuyển công việc khác; gắn với việc thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm nghiêm túc, làm cơ sở để tinh giản và điều chuyển công tác làm viên chức, công chức cấp huyện. Đến nay, toàn huyện đã tinh giản 92 cán bộ, công chức và số dôi dư còn lại 22 người.
Cái khó hiện nay trong giải quyết cán bộ, công chức dôi dư là tuổi đời và thời gian công tác của họ chưa đủ để nghỉ theo các chế độ hiện hành và thời gian qua chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh để khuyến khích đội ngũ này chuyển đổi công việc sang lĩnh vực khác"
Đồng chí Hoàng Nghĩa An - Trưởng phòng Nội vụ huyện Hưng Nguyên
Tương tự tại huyện Nam Đàn, ở 8 xã, thị trấn được sắp xếp, sáp nhập thành 3 đơn vị với tổng số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập là 93 người. Cùng với tổng số cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời thực hiện Nghị định số 34 của Chính phủ, đưa Công an chính quy về xã, huyện Nam Đàn đã giải quyết cho nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc, luân chuyển và hiện còn dôi dư 51 công chức.
Theo đồng chí Hoàng Nghĩa Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn: Hiện nay, giải quyết dôi dư cán bộ, công chức cấp xã đang tiếp tục đặt ra áp lực lớn đối với địa phương, đặc biệt khi yêu cầu thời hạn cho phép giải quyết dôi dư đến ngày 31/12/2024, các xã sáp nhập phải đưa số lượng cán bộ, công chức đúng theo quy định. Trong khi đó, công chức dôi dư chưa đủ tuổi hoặc năm tham gia bảo hiểm y tế cũng chưa đủ; mặt khác, một số công chức không có vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn, ví như thiếu công chức quân sự hoặc địa chính, nhưng thừa công chức tài chính, văn hoá - xã hội nhưng không bố trí được do không phù hợp về trình độ chuyên môn của vị trí việc làm thiếu.
Giải quyết dôi dư cán bộ, công chức cấp xã đang tiếp tục đặt ra áp lực rất lớn cho địa phương, khi thời gian chỉ còn hơn 1 năm.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn
Theo thông tin từ Sở Nội vụ Nghệ An, giai đoạn 2019 - 2021, Nghệ An có tổng 39 đơn vị hành chính cấp xã tiến hành sắp xếp còn lại 19 xã, giảm 20 xã, từ 480 xã xuống còn 460 xã. Việc sắp xếp, giảm 20 xã ở giai đoạn này, toàn tỉnh dôi dư 460 người, bên cạnh đó tỉnh còn thực hiện Nghị định số 34 thay thế cho Nghị định số 92, đồng thời đưa công an chính quy về xã, áp lực dôi dư lớn hơn.
Những năm qua, Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo gắn với ban hành một số chính sách riêng ngoài quy định của Trung ương để động viên, khuyến khích trong giải quyết cán bộ, công chức dôi dư; đến tháng 6/2023 toàn tỉnh vẫn còn 127 người. Đây đang là bài toán không phải dễ, đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị phải chung tay vào cuộc.
Cần chính sách đủ mạnh để gỡ khó
Có thể nói, việc giải quyết cán bộ, công chức dôi dư ở cấp xã đang “lớp trước chồng lớp sau”, bởi giai đoạn 2019 - 2021 chưa giải quyết hết thì hiện nay đang tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An sắp xếp 1 đơn vị hành chính cấp huyện, cụ thể là sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh và dự kiến sắp xếp 89 đơn vị hành chính cấp xã. Trong 89 đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025, qua rà soát, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, có khoảng gần 2.000 cán bộ, công chức dôi dư; đặt ra cho tỉnh “gánh nặng” rất lớn trong câu chuyện giải quyết dôi dư.
Huyện Diễn Châu là địa phương có 17 xã không đảm bảo cả 2 tiêu chí về diện tích dân số, cộng với 2 xã liền kề, nên số xã dự kiến trong diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 là 19 xã thành 9 xã, giảm 10 xã và số lượng cán bộ, công chức dôi dư qua rà soát có khoảng 200 người.
Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Xuân Khoa - Trưởng phòng Nội vụ huyện: Việc giải quyết cán bộ, công chức dôi dư trong giai đoạn sắp xếp này đã có nhiều hướng mở hơn, như lộ trình thời gian giải quyết dôi dư kéo dài hơn trong 5 năm. Mặt khác, quy định nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (theo Nghị định số 29 của Chính phủ), nam đủ 52 - 57 tuổi, nữ đủ 50 - 55 tuổi.
Tuy nhiên thực tế ở địa phương, đối với cán bộ, một số người đủ tuổi nghỉ hưu trong vòng 5 năm thực hiện tinh giản thì chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm; còn công chức thì cơ bản trẻ, vừa chưa đủ tuổi nghỉ hưu và chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong tuyên truyền, vận động để giải quyết dôi dư.
Vì vậy, để giải quyết bài toán này, ngoài chính sách của Trung ương, đề nghị tỉnh cần nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ tiếp tục đóng tiền bảo hiểm cho người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm để sau khi họ nghỉ việc vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm, đồng thời có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ người thôi việc có điều kiện chuyển đổi việc làm.
Ở huyện Thanh Chương, căn cứ Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến có 16 xã, thị trấn trong diện sắp xếp thành 7 xã, thị trấn, giảm 9 xã và số dôi dư qua rà soát khoảng 161 người, trong đó có 74 cán bộ và 87 công chức.
Đồng chí Nguyễn Cao Thanh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Chương cho rằng, đối với công chức được thực hiện theo Luật Cán bộ, công chức, Nhà nước phải đảm bảo công việc đối với họ; còn đối với cán bộ bầu cử hiện nay đều có trình độ đại học, trung cấp chính trị, trong số đó nhiều người có năng lực, kinh nghiệm và khát vọng cống hiến, nhưng nếu đến kỳ đại hội 2025 – 2030, nếu họ không được đưa vào cơ cấu thì họ buộc phải nghỉ.
Để tiếp tục sử dụng và phát huy vai trò đội ngũ này, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Chương đề xuất tỉnh nghiên cứu có chính sách xét tuyển số cán bộ chuyên trách cấp xã ở các xã sáp nhập sang công chức xã hoặc huyện.
Để tiếp tục sử dụng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã sau sắp xếp đơn vị hành chính, đề xuất tỉnh nghiên cứu có chính sách xét tuyển số cán bộ này sang công chức xã hoặc huyện.
Đồng chí Nguyễn Cao Thanh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Chương
Thiết nghĩ, những vấn đề từ thực tiễn cần được tỉnh nghiên cứu để đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm giải quyết tốt vấn đề được coi là khó nhất trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, đó chính là giải quyết cán bộ, công chức dôi dư, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, công chức trong điều kiện có thể.
Mai Hoa