'Kho báu' miền Tây xứ Nghệ đang chờ những người tâm huyết, có thế mạnh, kinh nghiệm 'đánh thức'
4 TRỤ CỘT PHÁT TRIỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN
Miền Tây Nghệ An là địa bàn rộng lớn, chiếm tới 83,36% diện tích của tỉnh, giữ vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, có nhiều tiềm năng, thế mạnh nổi trội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định đây là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Với những đặc điểm đó, có thể nói Nghệ An chưa thể giàu mạnh, an sinh xã hội chưa thể vững chắc, nếu tiềm năng miền Tây chưa được khai thác có hiệu quả.
Chia sẻ phát triển miền Tây luôn là một trong những trăn trở lớn của tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, tỉnh đã xác định và sẽ tập trung phát triển bền vững vùng miền Tây với 4 thành tố trọng tâm. Đó là:
Phát huy cao nhất các tiềm năng lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hoá.
Tăng khả năng chống chịu trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và kết nối hữu cơ với các vùng khác trong tỉnh.
Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, bài học kinh nghiệm cho thấy, để miền Tây phát triển đột phá, bền vững, ngoài yếu tố nội lực, sự chủ động, nỗ lực của tỉnh, của các địa phương, rất cần sự hỗ trợ quan trọng của Trung ương và tham gia đồng hành tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp.
Bởi vai trò của Trung ương, bộ, ngành giúp tạo ra hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù, định hướng về chiến lược cho phát triển tổng thể của vùng, liên vùng.
Doanh nghiệp giúp kết nối thị trường, đặt hàng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, quay lại định hướng sản xuất, thay đổi phương thức canh tác, thay đổi tư duy, cách làm ăn của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, miền Tây Nghệ An đang mong chờ những người có tâm huyết, có thế mạnh, kinh nghiệm trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, dược liệu, chế biến, du lịch, thương mại biên mậu… đến đánh thức, làm giàu, biến các nguồn lực ở dạng tiềm năng trở thành của cải vật chất.
Tỉnh Nghệ An kêu gọi và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp, doanh nhân đến nghiên cứu, đầu tư, làm ăn, phát triển tại đây.
CÓ CHÍNH SÁCH ĐỦ HẤP DẪN ĐỂ THU HÚT DOANH NGHIỆP
Là một người con có nhiều tâm huyết với quê hương xứ Nghệ, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH Thái Hương đã có những dự án lớn đầu tư, góp phần đánh thức miền Tây Nghệ An, làm nên những thương hiệu mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, với nữ doanh nhân quê Đô Lương, còn đó những đau đáu, trăn trở với mảnh đất đầy tiềm năng này.
Bà Thái Hương cho rằng, phải đánh giá lại thực trạng nguồn lực về đất đai của các nông, lâm trường ở miền Tây và có một nguồn kinh phí đủ đề rà soát lại, để từ đó tái cấu trúc mạnh mẽ và giao lại cho các doanh nghiệp có chiến lược, tầm nhìn, năng lực, giàu khát vọng đầu tư.
Cũng từ kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân thông qua đầu tư của Tập đoàn TH, bà nhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ là đầu tàu, chủ thể để kéo người nông dân vào sản xuất theo chuỗi.
Về hành lang chính sách, nữ doanh nhân xứ Nghệ đề nghị cần có các gói tín dụng về trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi thực sự để hỗ trợ nhà đầu tư rót vốn vào khu vực này.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tổ phó Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An nói rằng, muốn giải phóng tiềm năng của miền Tây thì phải định vị lại các tài nguyên, lợi thế của khu vực này trên quan điểm thời đại, để từ đó tìm ra định hướng phát triển.
Đồng thời, vị chuyên gia quê thị xã Hoàng Mai cũng nêu lên yếu tố học trong phát triển. Bởi Nghệ An nổi tiếng là vùng đất hiếu học, nhưng mới chỉ là học chữ, cái học ở đây là phải học từ thực tiễn, phải đi học những cách làm, mô hình thành công về phát triển nông, lâm nghiệp, đặc biệt như tại Sơn La để tìm giải pháp cho miền Tây.
PGS. TS Trần Đình Thiên cũng đồng tình với quan điểm của nữ doanh nhân Thái Hương, đó là khi đặt trên bàn cân thì phải kiến tạo được các chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp để phát triển miền Tây Nghệ An; đồng thời cần có các chính sách để đánh thức tiềm năng lâm nghiệp của tỉnh, cũng như thí điểm dự án thị trường tín chỉ carbon.
Tiếp cận ở góc độ người dân miền Tây Nghệ An, diễn giả Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) là người có nhiều năm gắn bó với địa bàn miền Tây Nghệ An.
Ở đây, thông qua các dự án của UNDP, bà đã trực tiếp làm việc và xây dựng các dự án để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ổn định sinh kế, như trồng dược liệu dưới tán rừng ở huyện Tương Dương, trồng rừng ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) và sắp tới dự kiến sẽ hỗ trợ giúp người dân xã Mường Lống (Kỳ Sơn) làm du lịch.
Từ trải nghiệm thực tế, vị đại diện UNDP cho rằng, bên cạnh vai trò của doanh nghiệp thì không thể bỏ qua vai trò của người dân trong phát triển miền Tây, bởi thông qua các dự án, mà cụ thể như trồng rừng ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), sau 20 năm quay lại, bà hoàn toàn bất ngờ vì người dân thực hiện rất tốt.
Do đó, bà Nguyễn Thị Thu Huyền khuyến nghị tỉnh cần có cách làm để khơi dậy tinh thần, sự tự tin của người dân trong phát triển sinh kế; đồng thời thực hiện hiệu quả việc liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm thúc đẩy phát triển; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa bản địa; sử dụng hiệu quả hơn tiền dịch vụ môi trường rừng và đẩy mạnh giao đất, giao rừng.
Đặc biệt, vị đại diện UNDP chia sẻ, điều mà bà trăn trở nhất chính là nguồn nhân lực chất lượng. Bởi theo như kinh nghiệm làm việc mỗi khi triển khai dự án của Liên Hợp quốc ở miền Tây Nghệ An thì rất khó để tìm thấy nhân lực ở địa phương. Do đó, bà cho rằng, tỉnh Nghệ An cần có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn lực trí thức, các doanh nghiệp trẻ về với miền Tây.
"KHÔNG CÓ ĐỈNH QUÁ CAO, KHÔNG CÓ SÔNG QUÁ DÀI, KHÔNG CÓ BIỂN QUÁ SÂU"
Là diễn giả cuối cùng trong 5 diễn giả trao đổi tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bắt đầu phần chia sẻ quan điểm, định hướng và sự hỗ trợ của Bộ trong thời gian tới để giúp miền Tây Nghệ An phát triển trên vai trò là tư lệnh ngành Nông nghiệp cả nước bằng câu chuyện rất gần gũi nhưng chứa thông điệp sâu sắc về tư duy kinh tế nông nghiệp.
Đó là trái ngô ngọt Kỳ Sơn mà ông mang về Hà Nội sau chuyến công tác tại huyện rẻo cao biên giới của Nghệ An này. Một sản phẩm chất lượng, quen thuộc với đồng bào nơi đó nhưng điều mà Bộ trưởng đau đáu chính là ngoài địa hạt của mình thì trái ngô ngọt hầu như chưa ai biết đến, kể cả những cán bộ người xứ Nghệ đang công tác tại Bộ.
Rút ra từ thực tiễn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhiều lần đề cập đến tư duy kinh tế, tư duy thị trường trong nông nghiệp, phải có những câu chuyện phía sau các sản phẩm để đưa “tên mình đi xa”.
Dẫn lại tựa 3 cuốn sách: “Không có đỉnh quá cao; Không có sông quá dài; Không có biển quá sâu”, Bộ trưởng muốn nhấn mạnh thông điệp muốn nói là hãy chia nhỏ đường để đi đến đích.
Do đó, trong bối cảnh thực tiễn cơ chế có những rào cản chung và cần thời gian để Trung ương, Chính phủ khơi mở, ông khẳng định: “Bộ NN&PTNT sẽ cùng với Nghệ An gạch từng đầu dòng. Nghệ An làm gì, Bộ làm gì, phối hợp nhau làm như thế nào?” và trên cơ sở đó làm tốt nhất có thể cho miền Tây Nghệ An, với cách tiếp cận mới.
Bộ trưởng lấy dẫn chứng như huyện Kỳ Sơn chỉ có 1% đất bằng phẳng, còn lại 99% đồi núi. Tuy nhiên, làm nông nghiệp hiện không theo diện tích mà theo khối tích. Đó là những mô hình, cách làm mà sắp tới Bộ sẽ triển khai ở miền Tây Nghệ An.
Vị Bộ trưởng quê “đồng sen Tháp Mười” có tình cảm rất sâu nặng với “làng Sen xứ Nghệ” cũng chia sẻ quan điểm trong quy hoạch không gian phát triển của miền Tây Nghệ An phải tính đến liên xã, liên huyện, bởi một khi không gian càng lớn thì tư duy chúng ta lớn hơn nhiều.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng bày tỏ niềm tin vào đội ngũ cán bộ miền Tây Nghệ An đang có tinh thần rất mạnh mẽ thoát ra khó khăn, song ông đề nghị cần tiếp cận một cách bình tĩnh, đừng để rào cản chính sách chi phối cảm xúc, ý chí mà cần nhìn nhận dưới góc độ là cái gì làm được thì hãy làm trước nhất, tốt nhất.
“Phải có tư duy mới, năng lực mới. Nó là phép thử cho sự năng động của lãnh đạo địa phương”, Bộ trưởng đúc kết.
Thành Duy