Cuộc sống khó khăn
Trong con thuyền rộng chừng 10m2 là nơi sinh sống của 8 thành viên trong gia đình anh Phạm Ngọc Hiệp (38 tuổi). Đây là một trong những hộ dân vạn chài trên sông Lam, đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên. Dù cuộc sống rất vất vả, phải sinh hoạt chung trong không gian chật chội nhưng vợ chồng anh Hiệp đến nay đã có tới 6 người con.
Con thuyền nhỏ vốn đã cũ kỹ, để có đủ diện tích sinh hoạt cho cả nhà, anh Hiệp phải lên bờ nhặt từng ván gỗ chắp vá chằng chịt. “Mùa mưa lũ thì rất nguy hiểm. Lúc đó, vợ chồng đành phải đưa các con lên bờ xin tá túc người dân”, anh Hiệp nói.
Xóm vạn chài này có 13 hộ, neo thuyền nép mình bên dòng sông Lam ngay dưới chân cầu sắt Yên Xuân. Cũng như nhiều hộ dân khác ở đây, anh Hiệp không nhớ nổi gia đình mình đã trải qua bao nhiêu đời sống trên sông nước. Anh chỉ nhớ được sinh ra trên thuyền, rồi lớn lên cũng lấy vợ là dân sông nước, tiếp tục cuộc đời chài lưới. Con gái nhỏ của anh Hiệp mới chỉ vài tháng tuổi, còn đứa con đầu năm nay đã lên lớp 11. Tuy cuộc sống vất vả, vợ chồng anh Hiệp tự hào vì có thể lo được cho con ăn học. Bởi ở cái xóm vạn chài này, từ bao đời nay, chưa ai có thể cho con học đến lớp cao như con gái anh.
“Không biết thời gian tới có trụ được nữa không? Cứ đến ngày nào hay ngày đó vậy. Cố gắng cho con ăn học để hy vọng thoát cái cảnh như bố mẹ. Nghèo từ đời này qua đời khác. Bây giờ chỉ mong được cấp đất trên bờ rồi an cư”, anh Hiệp nói thêm. Cạnh thuyền của anh Hiệp là thuyền của gia đình anh Nguyễn Văn Việt (43 tuổi). Khác với nhiều hộ dân vạn chài, gia đình anh Việt “có điều kiện” hơn khi đã có căn nhà dựng ngay mép sông, để có thể tá túc mỗi lần không đi đánh cá. Gọi là nhà nhưng thật ra chỉ là 3 bức tường xây thô sơ, phía trên lợp bằng mái tôn xập xệ. Còn phía trước để trống hoác.
Anh Việt cho hay, cách đây ít năm, bão đánh hỏng thuyền của gia đình anh. Không còn chỗ tá túc, anh Việt đành phải xin chính quyền xã dựng căn nhà này trên đất xã quản lý. Con thuyền cũ được anh Việt gia cố lại, đưa lên bờ dựng cạnh căn nhà. Để mỗi lúc nước dâng, nhà bị ngập thì cả gia đình leo lên thuyền trú tránh. “Năm ngoái nước dâng ngập lên đến nóc nhà, cũng nhờ có con thuyền này nên không phải chạy vào trong xóm để lánh nạn”, anh Việt nói. Theo anh Việt, nghề chài lưới đang ngày càng khó khăn, bởi cá, tôm dưới sông đang ngày càng ít. Nhiều khi vợ chồng vất vả thả lưới cả ngày nhưng chẳng được con nào cho vào nồi, đành phải đi vay tạm hàng xóm. Các hộ dân vạn chài hầu như không có của để dành, làm ngày nào ăn hết ngày đó. “Chính vì nghèo đói mà con em ở đây chả mấy ai được học hành đến nơi, đến chốn cả. Thế hệ các bậc bố mẹ thì toàn bộ mù chữ cả, còn con em hiện tại hầu hết cũng chỉ học chưa hết tiểu học, chỉ kịp biết hết mặt con chữ là phải nghỉ rồi. Hiếm hoi lắm mới có gia đình như anh Hiệp cho con học tới lớp 11”, anh Việt nói thêm.
Ước mơ an cư
Ở xóm vạn chài, ngoài anh Việt còn có một hộ khác được phép dựng nhà trên mép sông để tá túc. Đó là hộ ông Nguyễn Văn Quang (65 tuổi). Căn nhà của ông Quang thật ra cũng chỉ là những tấm tôn cũ được ông nhặt nhạnh khắp nơi mang về chắp vá. Nhà chỉ rộng hơn 10m2, cao chừng 2m nhưng phải chứa đến 7 thành viên trong gia đình. Mùa mưa lũ, nhà ông Quang chìm nghỉm dưới lòng sông Lam.
Ông Quang kể, ít năm trước vợ ông bị đau ở chân, không thể đi lại được nên ở trên thuyền rất bất tiện, nguy hiểm. Vì thế, gia đình xin phép chính quyền dựng tạm căn lều này. Vợ chồng ông Quang chỉ có người con gái duy nhất, lớn lên lấy chồng cũng dân sông nước, rồi về ở rể ngay trên thuyền của ông. Không chỉ khó khăn khi nguồn lợi thủy sản ngày càng hiếm, cuộc sống trên thuyền cũng phải đối mặt với đầy rẫy hiểm nguy. Đã có không ít đứa trẻ không may gặp nạn.
“Mới mùa mưa lũ năm ngoái thôi, cả gia đình đang ăn cơm thì cậu con trai út mới 4 tuổi của tôi rơi tõm xuống sông. Tôi phải lặn xuống 3 lần thì mới kéo được con lên, lúc đó đã tím tái. Cũng may là còn cứu được”, anh Nguyễn Văn Việt kể. Các hộ dân ở đây nói rằng, ước mơ từ nhiều đời nay của họ là được cấp một mảnh đất để an cư trên bờ. Ước mơ đó càng khẩn thiết hơn khi những năm gần đây, nghề chài lưới gặp khó.
“Ở đây gần như cô lập, chỉ có những hộ dân vạn chài qua lại với nhau. Con cái lớn lên hầu hết cũng lấy vợ, gả chồng là dân vạn chài. Vì thế mà khổ từ đời này qua đời khác. Tủi thân nhất là khi có đám cưới, đám ma, chỉ có mấy hộ vạn chài với nhau”, anh Việt bùi ngùi nói. Xóm vạn chài nhiều đời nay chỉ biết đánh cá. Nhưng những năm gần đây, cuộc sống khó khăn khiến nhiều hộ có ý định muốn đổi nghề. Khổ nỗi, chẳng ai có vốn để làm ăn.
“Mấy thanh niên trong xóm cũng muốn đi xuất khẩu lao động lắm, nhưng không có vốn để đi. Vì không có tài sản nào đáng giá cả, không có đất để thế chấp nên không vay ngân hàng được. Các mối quan hệ ở bên ngoài cũng không có, vì chỉ có dân vạn chài là đi lại với nhau. Không biết vay ai cả”, anh Việt nói thêm.
Trong khi người dân vạn chài đang ước mơ có mảnh đất để “cắm dùi”, thì cũng tại xã Xuân Lam, cách đó chừng vài trăm mét có một khu tái định cư xây dựng xong nhưng “ế chỏng chơ”, người dân từ chối đến ở gây lãng phí. Đó là khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở sông Lam ở xóm 9. Năm 2011, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư mở rộng quy mô dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất ở xã Hưng Lam (nay là xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên). Dự án có 100 lô đất ở (mỗi lô 315m2) nằm phía trong đê sông Lam để bố trí chỗ ở mới cho 100 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở đất phía bên ngoài đê; trong đó, phần lớn là dành cho cư dân xóm 9, kinh phí đầu tư hơn 24,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách của huyện, xã để di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai.
Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện 24 tháng. Sau khi có dự án, UBND xã đã thông báo cho người dân ở 4 xóm nằm ngoài đê. Sau đó, có 100 hộ dân đã đăng ký đến khu tái định cư với hy vọng thoát khỏi cảnh chạy lũ. Dù là dự án khẩn cấp, người dân cứ mòn mỏi chờ đợi hết năm này đến năm khác. Mãi đến cuối năm 2021, dự án tái định cư mới hoàn thành, bàn giao cho địa phương. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, khu tái định cư vẫn bỏ hoang, chưa có một hộ dân nào đến ở. Một số khu vực, người dân còn tận dụng để trồng rau. Theo các hộ dân đã đăng ký nhận đất thì do phải chờ đợi quá lâu, nên hầu hết đã bỏ tiền nâng nhà để tự ứng phó với mưa lũ. Vì thế, đến nay không còn nhiều người có nhu cầu đến khu tái định cư. Đại diện chủ đầu tư, ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, do nguồn vốn được bố trí quá nhỏ giọt nên dự án tái định cư này phải kéo dài. “Chúng tôi đã đề nghị địa phương tổ chức họp dân để khảo sát nguyện vọng của họ. Nếu người dân không có nhu cầu nữa thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có giải pháp. Có thể là đấu giá khu tái định cư”, ông Lương nói.
Còn ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho hay, xóm vạn chài có 13 hộ với khoảng 100 nhân khẩu có cuộc sống rất khó khăn, khát khao được cấp đất để lên bờ sinh sống. “Chính quyền cũng rất muốn đưa họ lên bờ để đỡ vất vả hơn mỗi khi mưa lũ về. Nếu được bố trí ở khu tái định cư cho vùng sạt lở đang bỏ không đó thì quá tốt. Nhưng vấn đề đó xã không quyết được, phải xin chủ trương của tỉnh”, ông Phận nói và cho hay, dù là dự án khẩn cấp nhưng mãi đến năm 2020 chủ đầu tư mới bắt đầu đắp đất, làm mặt bằng. Do khu tái định cư này xây quá lâu, người dân không thể chờ đợi được nên hầu hết người dân đăng ký di dời đã tự xây lại nhà và nâng cao nền để thích ứng với lũ. Hiện nay, chỉ còn khoảng 10 hộ có nhu cầu đến khu tái định cư có tới 100 lô đất này./.