Trước khi làm việc với UBND thị xã Cửa Lò, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại dọc đường ven biển Bình Minh, một số nhà hàng kinh doanh phục vụ ăn uống cho khách du lịch.
Trong thời gian qua, thị xã Cửa Lò đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính “đột phá” để phát triển du lịch như: ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, ký hợp đồng quảng bá du lịch với các cơ quan thông tấn, báo chí; thực hiện quy hoạch và chỉnh trang cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: thực hiện giải tỏa 209 ky ốt phía Đông đường Bình Minh, chỉnh trang 16 ky ốt phục vụ việc tắm tráng cho khách du lịch tắm biển, chỉ đạo cấp phép cho các ky ốt phía Tây đường Bình Minh hoạt động; kêu gọi xã hội hóa trang trí, xây dựng các điểm “check in” gần bãi biển; chỉ đạo thay thế xe điện cũ bằng xe điện mới đủ kiều kiện để đăng ký, đăng kiểm hoạt động (đến nay có 278 hộ đã có xe mới đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định); tiến hành tập huấn về văn hóa ứng xử, cung cách phục vụ khách du lịch cho đội ngũ nguồn nhân lực làm du lịch; tăng cường quản lý giá cả lưu trú và ăn uống;….
Năm 2023, thị xã đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện phục vụ du lịch, thu hút du khách như: tổ chức tốt các Lễ hội đền Bàu Lối, phường Nghi Thu; Lễ hội Đền Vạn Lộc, phường Nghi Tân, Lễ Hội đền Mai Bảng phường Nghi Thủy; tổ chức thành công Lễ hội Áo dài hoa cúc biển, Lễ hội du lịch Cửa Lò, Festival Khinh cầu Cửa Lò năm 2023; tổ chức đón các đoàn “famtrip” về khảo sát du lịch Nghệ An nói chung và Cửa Lò nói riêng để kết nối các “tour”, tuyến;…. Các hoạt động, sự kiện này đã giúp kích cầu du lịch, thu hút nhiều người dân, du khách đến với Cửa Lò trong 6 tháng đầu năm 2023.
Kết quả, uớc 7 tháng năm 2023: lượng khách du lịch ước đạt 3.130.000 lượt, đạt 103% so với cùng kỳ, đạt 92% kế hoạch năm; trong đó khách lưu trú đạt 1.165.000 lượt, đạt 101% so với cùng kỳ, đạt 93% kế hoạch năm. Doanh thu du lịch ước đạt 3.210 tỷ đồng, đạt 102% so với cùng kỳ, đạt 91,7% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và làm việc với UBND thị xã Cửa Lò cho thấy công tác phát triển du lịch còn có một số hạn chế như: Công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu; cơ sở hạ tầng, cảnh quan du lịch sau khi giải tỏa các ky ốt dọc đường Bình Minh có nhiều điểm còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu của khách du lịch; nguồn nhân lực phục vụ du lịch thiếu về số lượng, chất lượng, văn hoá giao tiếp trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ở một số cơ sở còn hạn chế; hoạt động xe điện 4 bánh, mô tô nước vẫn có hiện tượng chèo kéo khách du lịch; việc quản lý giá cả một số bãi xe tạm ở một số phường dịp Lễ hội du lịch chưa tốt;...
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Chu Đức Thái ghi nhận sự nỗ lực của UBND thị xã trong việc tập trung chỉnh trang cảnh quan, hạ tầng du lịch, thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá như: giải tỏa các ky ốt dọc bãi biển, chấn chỉnh hệ thống xe điện,…Tuy nhiên, vẫn còn có hiện tượng chèo kéo khách, chất lượng một số dịch vụ như ăn uống, tắm tráng chưa tương xứng với giá cả, giá vé gửi xe chưa được quản lý tốt; cảnh quan du lịch sau khi giải tỏa các ki ốt dọc đường Bình Minh chưa được chỉnh trang đáp ứng nhu cầu khách du lịch…
Để tiếp tục phát triển du lịch biển trong thời gian tới tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thị xã, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND thị xã tiếp tục bám sát kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện; tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hệ thống xe điện, hạn chế tình trạng chèo kéo khách; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang công viên, hệ thống cây xanh đô thị; quản lý và rà soát lại việc giao cho các tổ chức đoàn thể quản lý các bãi tắm gần bãi biển, bãi đỗ xe; tiếp tục tăng cường quản lý giá cả ăn uống, gửi xe, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm; nghiên cứu đầu tư thêm các điểm “check in”,…Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức phù hợp như tăng cường sử dụng công nghệ thông tin mạng xã hội; quan tâm tập huấn về văn hóa ứng xử, phục vụ của đội ngũ nguồn nhân lực làm du lịch; hoàn thiện hạ tầng du lịch, nhất là khu vực phía đông đường Bình Minh…/.