Các đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước giờ khai mạc kỳ họp.
Dự kỳ họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.
Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Trung ương.
Trước giờ khai mạc, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào 8h cùng ngày, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.
Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An thực hiện nghi lễ chào cờ
Theo quy định của pháp luật, Quốc hội có 2 kỳ họp thường kỳ mỗi năm. Chỉ khi có những việc cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm thì Quốc hội sẽ có thêm những kỳ họp bất thường khác bên cạnh hai kỳ họp thường kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.
Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp này là hết sức quan trọng và cần thiết để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, tạo động lực để khơi thông các nguồn lực, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau khi đã chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, cũng là để kịp thời chế hóa những chủ trương Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng bằng những quyết sách cụ thể.
Toàn cảnh điểm cầu Nghệ An.
Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định 4 nội dung cấp bách gồm: dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; xem xét thông qua 1 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết theo quy trình rút gọn tại 1 kỳ họp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình Nghị quyết.
Tờ trình Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Quốc hội sáng nay đã thể hiện rõ quan điểm: chính sách phải bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; Có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực; Được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được phát huy tối đa; Thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế; Huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm… Đi cùng chính sách sẽ có 5 nhóm giải pháp triển khai gói hỗ trợ bao gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với chương trình phòng chống dịch; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và hộ kinh doanh; thúc đẩy hạ tầng, khơi thông nguồn lực phát triển; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Theo đó, sẽ tăng bội chi ngân sách nhà nước tối đa 240.000 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Nghệ An
Trong sáng nay, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng được trình Quốc hội. Mục tiêu đầu tư của Dự án nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Xuân Hướng - Cảnh Toàn