Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí nội dung của dự thảo Luật và đề nghị lưu ý một số nội dung sau: Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo tiếp thu, giải trình cần phải nêu rõ việc tiếp thu, giải trình đã tuân thủ, bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào; các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xây dựng dự án Luật đã bảo đảm đến mức độ nào; tiếp tục rà soát kết cấu của dự thảo Luật như hoán đổi thứ tự Chương IV về bảo hiểm vi mô với Chương V về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; đồng thời đổi tên Chương V thành đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật và đề nghị rà soát, hoàn chỉnh thêm để bảo đảm khả thi khi tổ chức thực hiện. Thống nhất Giấy phép thành lập, hoạt động cũng chính là Giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp như quy định của Luật hiện hành, đồng thời, khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, tuy nhiên Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này, nêu rõ sự cần thiết phải duy trì Quỹ này, hiệu quả sử dụng Quỹ thời gian qua, đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các loại hình bảo hiểm; các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…, bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp nghiên cứu, rà soát, hoàn chỉnh quy định về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan (Điều 3) và điều khoản thi hành (Chương VII), bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Sau khi tiếp thu các ý kiến tham gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Kinh tế gửi tài liệu dự án Luật được tiếp thu, chỉnh lý để Chính phủ tham gia ý kiến bằng văn bản; đồng thời nêu rõ thời hạn Chính phủ phải gửi văn bản ý kiến đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trước ngày 1.4.2022. Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định; chuẩn bị hồ sơ báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan; tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba.
Quỳnh Chi