Kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm đúng pháp luật. Công tác BVMT ngày càng hiệu quả, chất lượng môi người được cải thiện. Theo chỉ số đánh giá kết quả BVMT: năm 2020, tỉnh Nghệ An đạt mức trung bình; năm 2021 tỉnh xếp thứ 10 trên cả nước và được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen; năm 2022, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định.

huy-dong-1688685272449.jpg
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An khảo sát hồ lắng nước thải của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua làm việc trực tiếp tại một số đơn vị và địa phương, Đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng nhận thấy: công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về môi trường ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả chấp hành quy định về BVMT chưa cao. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn một số bất cập: bãi rác chưa bảo đảm khoảng cách; công nghệ chôn lấp lạc hậu; nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường... Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, vận hành hạ tầng kỹ thuật về môi trường còn thiếu đồng bộ; kiểm soát, thu gom, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đạt tỷ lệ chưa cao; công tác thanh, kiểm tra việc BVMT chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời…

Theo Đoàn giám sát, nguyên nhân chủ quan do sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt; công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT chưa thường xuyên và đồng bộ; việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền chưa tới, chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến ý thức chấp hành BVMT của một số tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa cao… Trong khi đó, kinh phí sự nghiệp BVMT chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác BVMT chưa được nhiều; công tác tham mưu, tổ chức, thực hiện của một số cán bộ, bộ phận trong xử lý, giải quyết các vấn đề về môi trường có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu…

Xử lý nghiêm các vi phạm

Khắc phục những tồn tại trên, Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định, hướng dẫn về phân loại rác thải sinh hoạt, trong đó thống nhất với các Bộ, ngành liên quan về màu sắc của thùng (túi) đựng rác thải để thuận tiện trong quá trình thực hiện của người dân; quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường các cấp; khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở có nguy cơ phán tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn; quy định cụ thể về các thông số đặc trưng theo loại hình và công nghệ, thiết bị quan trắc phù hợp đối với quan trắc môi trường nước thải để thống nhất và tránh gây khó khăn trong quá trình thực hiện của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tính minh bạch trong thực thi công vụ của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường…

Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, nâng cao nhận thức, gắn với vận động các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia BVMT với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Sớm xây dựng, ban hành các quyết định quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh được giao trong Luật BVMT để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị... Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về BVMT.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung, UBND tỉnh cần tổ chức tốt việc theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường, thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ; đôn đốc, yêu cầu các đơn vị lắp đặt, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động và truyền dẫn dữ liệu quan trắc theo đúng quy định; cập nhật hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc vận hành, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về môi trường… “Bên cạnh đó, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; ưu tiên bố trí tăng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cho các cấp, các đơn vị; khuyến khích, huy động, tổ chức thực hiện xã hội hóa cho công tác BVMT. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác BVMT theo quy định", ông Trung nhấn mạnh.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị UBND tỉnh cần tổ chức tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Trong đó, quan tâm xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có phương án xử lý rác thải xây dựng; hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại đô thị, khu dân cư, cụm dân cư nông thôn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, cụm công nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu BVMT trước khi thải vào nguồn tiếp nhận... Tập trung xử lý dứt điểm các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tồn đọng kéo dài như tại bãi rác Đông Vinh, Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 1) và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khác…