Gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành ngày 28.11 gồm 4 môn, trong đó hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Thí sinh sẽ thi thêm hai môn lựa chọn từ các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Từ năm 2025, học sinh đã học hoàn toàn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025 sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỉ lệ phù hợp. Bộ sẽ giữ ổn định thi tốt nghiệp THPT trên giấy đến năm 2030, song song với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở những nơi đủ điều kiện.

E1-1701303676201.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: Mạnh Nguyễn

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương, thi theo phương án này, thí sinh sẽ chỉ còn thi 4 môn (hiện nay thi 6 môn), số buổi thi giảm, còn 3 buổi, gọn nhẹ hơn, bảo đảm yêu cầu giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội. “Phương án thi này cũng không gây ra sự mất cân bằng giữa việc chọn khối Khoa học xã hội nhiều hơn Khoa học tự nhiên như hiện nay”, ông Chương khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, với việc lựa chọn 2/9 môn học để thi, sẽ có 36 cách thức lựa chọn khác nhau, không chỉ giúp thí sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà còn tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp và hoàn cảnh của mình.

Dù là môn học bắt buộc ở cấp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, song Ngoại ngữ và Lịch sử được xếp vào nhóm môn thi lựa chọn. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, môn học không được chọn là môn thi bắt buộc sẽ không làm giảm đi tính quan trọng của môn học.

Thiết kế đề thi phù hợp

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung; khi đủ điều kiện sẽ thực hiện phân cấp cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước.

Đánh giá về phương án Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội, cho rằng, phương án này đáp ứng được các yêu cầu gọn nhẹ, ít tốn kém, giảm căng thẳng. Trong đó, Toán, Văn cũng là 2 môn nền tảng, căn bản, công cụ; các môn khác theo lựa chọn của người học.

Tuy nhiên, để kỳ thi đạt hiệu quả và hướng đến nền giáo dục thực học, thực dạy, thầy Trần Mạnh Tùng đề xuất ngành giáo dục cần thiết kế đề thi phù hợp, đánh giá được năng lực, phẩm chất người học, tránh việc “thi gì học nấy”. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, các nhà trường cần thay đổi cách đánh giá học sinh, xây dựng ngân hàng đề thi để học sinh không cần học tủ, không cần luyện thi, từ đó thay đổi cách dạy và cách học.

“Chúng ta cần thay đổi nhận thức của người học, của xã hội về mục đích của việc học: Học để hiểu, học để làm được, vận dụng được, học cho bản thân. Đây là một quan niệm tích cực, học tập để tiến bộ chứ không phải chỉ để vượt qua một kỳ thi. Làm được như vậy thì tất cả các môn học đều quan trọng, việc học không bị phụ thuộc vào môn đấy thi hay không thi tốt nghiệp. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội học tập đúng nghĩa”, thầy Trần Mạnh Tùng nói.

Đồng quan điểm, GS. TSKH. Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh, đánh giá giáo dục, trong đó phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục. Nó có trách nhiệm thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh. Điều đó có nghĩa là đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý “học gì thi nấy”. Không thể để xảy ra việc đánh giá giáo dục điều tiết, chi phối mục tiêu giáo dục, tức là không thể để xảy ra “thi gì học nấy”.

GS. TSKH. Đỗ Đức Thái cũng cho rằng, với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần tạo dựng niềm tin cho học sinh và cha mẹ học sinh về giá trị mà học vấn của môn học đó mang lại cho cuộc đời của học sinh sau này; từ đó động viên, lôi cuốn học sinh vào môn học. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học của mỗi môn học để đạt được điều đó, không thể dùng biện pháp hành chính là bắt buộc thi để học sinh phải học môn đó.