Tỉnh Hưng Yên có khá nhiều mô hình kiểu mẫu về vệ sinh môi trường, đặc biệt là phong trào tự phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Xã Tam Đa (huyện Phù Cừ) là đại phương điển hình.

Ông Doãn Thanh Luận, Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết: Phong trào phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình đã triển khai trên địa bàn từ năm 2013. Ban đầu mới chỉ làm điểm tại một số hộ ở thôn Tam Đa, thấy hiệu quả rõ nét mới nhân rộng ra toàn xã.

1-1811_20220511_144-155541.jpg

Diện mạo làng quê xã Tam Đa đang ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: H.Tiến.

Tuy nhiên phong trào này chỉ trở thành việc làm thường xuyên ở đây từ 5 năm trở lại đây nhờ các cấp ngành chuyên môn trong tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn tuyên truyền, kết hợp với sự hỗ trợ khuyến khích kịp thời của UBND các cấp. Nhờ đó, người dân đã nhận thức rõ lợi ích của việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn và chủ động làm bể thu gom các loại rác này bằng chế phẩm vi sinh được cấp phát hoặc mua thêm để làm phân hữu cơ tái phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Văn Hú ở thôn Tam Đa kể: Từ khi có bể xử lý rác hữu cơ, ông đã tiết kiệm được 400 - 500 nghìn đồng mua phân hữu cơ vi sinh bón cho vườn vải hàng năm. Ông Hú cho biết, vì con cháu đều đi làm xa, nhà chỉ còn 2 vợ chồng già nên ông phải thu gom xử lý thêm rác hữu cơ từ các hộ phi nông nghiệp khác mới đủ phân bón cho 50 gốc vải.

”Một bể xử lý rác hữu cơ khoảng 1m3 được huyện và xã hỗ trợ 250 nghìn đồng. Mỗi năm còn được cấp 2 gói chế phẩm vi sinh EM (400gr). Số chế phẩm này cơ bản đủ xử lý cho lượng rác thải trong 1 năm từ các gia đình có 3 - 4 nhân khấu. Những hộ đông người hơn hoặc tận dụng thêm các loại rác hữu cơ từ nguồn khác, sẽ phải mua thêm chế phẩm với liều lượng tương ứng. Chế phẩm cũng khá rẻ và rất dễ mua ngoài thị trường”, ông Hú cho hay.

3-1814_20220511_468-155541.jpg

Bể gom xử lý rác thành phân bón hữu cơ vi sinh của gai đình ông Phạm Văn Hú. Ảnh: H.Tiến.

Ông Nguyễn Văn Khoát (cùng thôn Tam Đa) từng thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình từ năm 2013 đến nay cho biết: Phân hữu cơ vi sinh không thay thế được hoàn toàn NPK tổng hợp, nhưng nó giúp cho cây vải phát triển cân đối hơn, ít sâu bệnh hơn. Đặc biệt trong điệu kiện giá phân bón tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay thì việc tận dụng các loại rác hữu cơ cho xử lý vi sinh làm phân bón lại càng có ý nghĩa.

Bà Ngô Thị Vốn ở thôn Cự Phú (xã Tam Đa) cũng cho biết: Phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình đã giúp "sạch nhà, tốt ruộng, đẹp làng quê". Việc phân loại rác cũng không mất nhiều thời gian, chỉ cần khi bỏ rác thêm động tác nhặt cho vào bể các loại rác hữu cơ như rau cỏ, lá cây, bã chè, bã cà phê, thức ăn thừa... rồi đảo trộn đều từ dưới lên trên. Định kỳ khoảng 25 - 30 ngày, tưới lên lớp rác hữu cơ bề mặt bể 1,5 lít dung dịch gồm 1 thìa cà phê chế phẩm EM + 1 thìa đường kính trắng + 1,5 lít nước sạch. Khi các loại rác chuyển màu đen mịn dạng sệt, không mùi hôi thối là có thể cho phép rút lớp đáy ra bón cho cây trồng.

Lưu ý, tuyệt đối không cho vào bể xử lý rác tại hộ gia đình các loại rác thải nguy hiểm như túi đồ dính dầu mỡ, xi lanh, kim tiêm, nhiệt kế hỏng, đèn tích điện, bóng đèn điện hỏng, thiết bị điện tử hỏng, chai lọ dính hoặc chứa hóa chất, ắc quy và pin các loại. Các chất thải nguy hại trên cùng bao túi ni lông, gạch đá, sành sứ... phải để riêng để tổ vệ sinh môi trường của xã đến thu gom.

4-1814_20220511_783-155543.jpg

Một trong các bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng xã Tam Đa. Ảnh: H.Tiến

Bà Trần Thị Nguyệt, Cán bộ Địa chính Nông nghiệp xã Tam Đa tính toán: Bình quân mỗi ngày các hộ dân trong xã thải ra khoảng 2 tấn rác các loại, trong đó có 50% khối lượng là rác hữu cơ được xử lý theo quy định. Đồng nghĩa với mỗi năm địa phương tự sản xuất được gần 400 tấn phân hữu cơ vi sinh bón trở lại cho đồng ruộng.

"Bên cạnh việc thu gom xử lý triệt để các loại rác hữu cơ tại hộ gia đình, địa phương còn xây được 25 bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên đồng; đặt các thùng chứa rác ở những nơi công cộng; duy trì thường xuyên 3 tổ thu gom rác thải rắn với tần suất 2 lần/tuần. Các thôn trong xã cũng tiến hành quét dọn đường làng ngõ xóm mỗi tháng 2 buổi; hệ thống ao hồ được nạo vét, tu bổ hàng năm. Nhờ vậy diện mạo làng quê xã Tam Đa đang ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn”, bà Nguyệt thông tin thêm.

5-1815_20220511_719-155543.jpg

Ngõ quê luôn sạch sẽ. Ảnh: H.Tiến.

Ông Lê Xuân Mai, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phù Cừ cho biết: Đến nay đã có hơn 70% số hộ dân trên địa bàn huyện thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại gia đình, góp phần giảm áp lực cho các bãi chôn lấp tập trung và giải được bài toán đảm bảo vệ sinh môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Có được kết quả này, một phần do huyện không cứng nhắc các gia đình đều phải xây bể gom chứa rác hữu cơ, các hộ cũng có thể dùng những bể chứa nước ăn không còn nhu cầu sử dụng, thùng nhựa đủ lớn… cho gom chứa rác và xử lý vi sinh theo quy định.

”Phù Cừ là địa phương điển hình về thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, trong đó có xã Tam Đa. Qua đó đã giúp ngành tổng kết, rộng phong trào ra toàn tỉnh như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Phú, Giảm đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hưng Yên đánh giá.