Ở vùng đồng bằng là những nếp nhà ngói ba gian hay mái lá nằm giữa khu vườn với những hàng cau, hàng dừa, thì ở vùng miền núi là những nếp nhà sàn nằm giữa lưng đồi với các thửa ruộng bậc thang uốn quanh. Đó là nền tảng cốt lõi mang giá trị bền vững và cần được “giữ” trong quá trình phát triển kinh tế.

Đừng đánh mất “hồn làng”

Công cuộc phát triển kinh tế nông thôn, nhất là xây dựng nông thôn mới thực sự đã đem lại một diện mạo mới, sức sống mới cho những làng quê, với cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, đường làng khang trang, sạch đẹp, những ngôi nhà mới mọc bừng lên sức sống mới thể hiện rõ sự đổi thay của vùng quê nghèo với khung cảnh trù phú, kéo gần khoảng cách đời sống giữa cư dân nông thôn với khu vực đô thị. Với quan điểm, định hướng xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại không đồng nghĩa với việc chúng ta phủ nhận các giá trị truyền thống, các giá trị văn hóa đang được các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư quan tâm giữ gìn và phát huy. Vì vậy, bên cạnh việc giữ gìn những bản sắc văn hóa cũng cần quan tâm đến việc duy trì cảnh quan, nếu không “làng” sẽ dần mất đi cái “hồn” của nó.

Với những thế hệ trước thập niên 80, làng là hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình; những ao làng rộng lớn; là những hàng tre xanh, ruộng lúa, là những bờ rào bằng các loại cây như tre, mạn hảo, dâm bụt… Ở một số nơi, chỉ cần nhìn một loại cây đặc trưng của vùng miền nơi đó là những người xa quê trở về sẽ nhìn ra làng mình thấp thoáng phía trước và nó sẽ gắn liền với tuổi thơ không thể nào quên. Nhưng giờ đây ở một số nơi chỉ thấy đường bê tông, bờ tường xây gạch; mùa hè, trên những con đường làng chang chang nắng, đường sá thiếu vắng bóng cây xanh do khi mở đường, chưa có quy hoạch cụ thể gây khó khăn cho phát triển, kể cả việc trồng cây xanh lấy bóng mát; có chỗ, cây đang lên xanh tốt cũng phải chặt bỏ vì vướng; cây sau khi chặt cũng với muôn vàn lý do nên không được trồng lại; thậm chí một số nơi miền núi còn thiếu vắng cây xanh hơn ở thành phố. Làng lại được đô thị hóa, dẫn đến tình trạng nửa phố nửa quê, ở một số nơi không thể phân biệt “làng” hay “phố”.

Đi dọc con đường lên miền Tây xứ nghệ, “nhìn mỏi mắt” mới thấy được một vài ngôi nhà sàn của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, bởi vì nhiều lý do nên người ta đã dỡ bỏ những ngôi nhà truyền thống. Kiến trúc nhà ở không chỉ là công trình xây dựng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người, mà nó còn là công trình nghệ thuật, hàm chứa trong nó những giá trị văn hoá lâu đời, gắn với đặc thù của từng vùng miền, từng cộng đồng dân tộc. Đôi khi, chỉ cần nhìn vào lối kiến trúc của một căn nhà, có thể biết được chủ nhà là người dân tộc nào. Mỗi dân tộc có một lối kiến trúc nhà ở khá đặc thù phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên nơi họ cư ngụ. Các ngôi nhà còn chứa đựng trong nó cả triết lý sống, “gu” thẩm mĩ của từng dân tộc, thậm chí của từng gia đình. Những ngôi nhà sàn độc đáo được dựng lên từ các nguyên liệu tự nhiên, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa là chốn trú ngụ an toàn, chứa đựng trong đó cả những thông điệp văn hoá đặc thù của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái là công trình tổng hợp giữa kiến trúc xây dựng, nghệ thuật trang trí, thiết kế hài hòa với thiên nhiên, thích ứng với khí hậu miền núi và mang dấu ấn văn hóa đặc trưng. Tập quán sinh sống giữa những vùng thung lũng, gắn với ruộng đồng và rừng núi đã hình thành nên lối kiến trúc độc đáo, phù hợp với điều kiện thực tế. Sàn cao giúp ngôi nhà tránh được ẩm thấp, thú dữ; kết cấu nhà chắc chắn giúp công trình trụ vững giữa thời tiết khắc nghiệt vùng cao. Dưới đôi bàn tay tài hoa, khả năng tính toán chính xác và sự hợp sức của dân bản, những ngôi nhà sàn cứ thế lần lượt dựng lên dưới chân núi, ven thung lũng, hay cạnh những cánh đồng trải rộng, hình thành nên những cộng đồng làng bản có chung một nền văn hóa. Nhiều ngôi nhà sàn có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm và vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Phát triển kinh tế gắn với “hồn làng”

Trong chuyến đi cùng với các thành viên trong đoàn giám sát của HĐND tỉnh về thăm một số xã nông thôn mới trong tỉnh, tôi nhận thấy rằng, không thiếu những địa phương không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hay những công trình bê tông kiên cố mà còn có những con đường với cảnh quan xanh - sạch - đẹp về đến các xóm, thôn, bản. Ở xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, hai bên đường từ cổng làng tới các trục đường chính là những hàng cây cảnh, cây xanh tạo bóng mát uốn lượn quanh hàng chục km đường giao thông thôn bê tông hóa; nhà ai cũng có vườn trồng cây ăn quả tốt tươi.

Đình Sành ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành là ngôi đình làng hàng trăm tuổi vẫn được giữ gìn và đang được tận dụng thành nơi hội họp của Nhân dân

Trong xu thế phát triển, kiến trúc nhà ở độc đáo của một số dân tộc thiểu số, vùng miền đã được nhiều địa phương đưa vào danh mục khai thác du lịch. Sự đa dạng, phong phú cùng với những giá trị văn hoá truyền thống của những ngôi nhà trình tường, nhà sàn, nhà nửa đất nửa sàn đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, giúp họ khám phá thêm những điều khác lạ, kì thú. Chính vì vậy, giữ gìn những kiến trúc nhà ở truyền thống còn góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân. Cùng với đó là việc bảo tồn để không làm mai một những di sản quý giá của tổ tiên để lại.

     

Ngôi nhà sàn cổ với kiến trúc độc đáo, đặc trưng mang tính nhận diện văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở bản Na Ngân, xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN

 

 

Cần thực hiện hài hòa giữa cái cũ và cái mới để bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của mỗi làng quê. Nhà truyền thống thì phải có cảnh quan tương xứng thì mới hài hòa, nhà sàn mà tường gạch thì chẳng khác gì “bình mới rượu cũ”. Bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị là các công trình xây dựng thì việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, cải tạo các ao làng, trồng cây xanh ở các trục đường, tăng thêm màu xanh, bóng mát cho xóm làng; tích cực quy hoạch các khuôn viên, cảnh quan xanh, tận dụng tối đa cây cổ thụ, cây bóng mát đã được trồng trước đó khi quy hoạch và xây dựng, làm đường mới; tạo dựng tường rào bằng các loại cây găng, cúc tần, râm bụt... từng là hình ảnh quen thuộc nhiều gia đình nông thôn, vùng cao, cũng là những vấn đề đặt ra.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế - văn hóa - môi trường; giải quyết tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại theo đặc thù của từng địa phương. Vừa giữ được cảnh quê, lại phát triển thành ngành kinh tế. Du khách thích về làng, bởi làng khác phố, họ thích cảnh trí, con người nông thôn. 

Xin được mượn lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: “Nông thôn mới không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế "cứng" mà chú trọng đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Chương trình kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa kinh tế với văn hóa, xã hội trên địa bàn nông thôn. Nông thôn mới không "sao chép", không làm mất bản sắc, vì mất đi bản sắc là "đứt gãy" dòng tâm thức của mỗi cộng đồng, làng quê. Nông thôn mới không thể "mặc đồng phục" mà cần là quá trình tìm tòi sự khác biệt, đi lên từ những cái đang có. Quá trình tìm tòi đó do chính người làng quê biết nhận ra, trân quý những giá trị xung quanh mình, từ truyền thống lịch sử của địa phương”./.