quang-canh-a2-1685501499231.jpg
Hôm nay, 1.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước

Hôm qua, 31.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận về nội dung này. Có 50 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận, 3 Bộ trưởng đã tham gia trao đổi các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và ghi nhận, năm 2022 dù gặp nhiều thách thức, khó khăn song nước ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8,02% là mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đối với những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Các đại biểu nhấn mạnh biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp. Qua đó, các đại biểu cũng đề nghị, thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội.

Quan tâm đến vấn đề đầu tư công, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ sự quan ngại đối với tình trạng chậm trễ, ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công và đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công cho dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án trọng điểm như: dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam do tiến độ giải phóng mặt bằng không đồng đều ảnh hưởng đến thi công chậm trễ, khó giải ngân theo kế hoạch. Đại biểu cũng kiến nghị, cần khắc phục tình trạng “vốn chờ công trình”, quan tâm đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư theo phương thức xã hội hóa, có sự đóng góp của người dân. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương rà soát, xem xét sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn, định mức hỗ trợ và các quy định cụ thể về tổ chức phát triển khai triển các chương trình.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá, có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục hồi và phát triển kinh tế.

Song Hà