Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú 2020. |
Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú 2020 nêu rõ 3 trường hợp đăng ký thường trú phải lấy ý kiến chủ nhà gồm:
Trường hợp đăng ký thường trú theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.
Trường hợp đăng ký thường trú không thuộc điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.
Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Thông tư 83/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế, chính sách về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con (SGDCK), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) được quy định như sau:
Bộ Tài chính quyết định giá các dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do Nhà nước định giá theo quy định áp dụng tại SGDCK và VSDC.
Thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Thông tư 83/2024/TT-BTC thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
SGDCK và VSDC phải thực hiện niêm yết giá, công khai giá, chấp hành theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về chứng khoán và văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thông tư 25/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Theo đó, từ 10-1, việc phân loại các thửa đất trên cơ sở hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận như sau:
Thửa đất loại A: là thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận chưa có tài sản gắn liền với đất; Thửa đất loại B: là thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận có tài sản gắn liền với đất; Thửa đất loại C: là thửa đất được cấp chung một Giấy chứng nhận;
Thửa đất loại D: căn hộ, văn phòng, cơ sở dịch vụ - thương mại trong nhà chung cư, nhà hỗn hợp, công trình xây dựng, công trình ngầm, hạng mục của công trình xây dựng đã được cấp Giấy chứng nhận;
Thửa đất loại E: thửa đất đã đăng ký đất đai nhưng chưa hoặc không được cấp Giấy chứng nhận; Thửa đất loại G: thửa đất đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận nhưng không thu thập được tài liệu theo yêu cầu để xây dựng cơ sở dữ liệu; Thửa đất loại H: thửa đất chưa đăng ký đất đai.
Thông tư 82/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Theo đó, mức chi để xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản như sau:
Chi ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước phục vụ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước...
Chi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực công chức, viên chức và người lao động được phân công thực hiện quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC.