Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Nhật Minh, Đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An; Lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Hội viên Chi hội Luật gia Văn phòng; cùng toàn thể cán bộ, chuyên viên các phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 8 chương, 61 điều (giảm 1 chương và 33 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp 8). Nội dung có nhiều thay đổi lớn, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; hệ thống thông tin thị trường lao động; tư vấn viên dịch vụ việc làm; đăng ký lao động; phát triển kỹ năng nghề; mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc dự thảo luật đã bổ sung nhiều nội dung mới có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, một số nội dung cần được làm rõ và điều chỉnh. Về khái niệm người lao động, Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa "Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động", trong khi đó Dự thảo Luật Việc làm quy định "Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc." Hai định nghĩa này có sự khác biệt, cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất hoặc có giải thích rõ ràng hơn.

Các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật

Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hiện nay Luật Thanh niên và Luật Người cao tuổi đã có quy định về hỗ trợ vay vốn. Dự thảo Luật Việc làm cũng quy định nội dung tương tự cho các nhóm đối tượng này, dẫn đến sự chồng chéo. Do đó, cần rà soát và làm rõ sự tương thích giữa các luật, tránh mâu thuẫn khi triển khai thực tế. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo vệ người lao động khi thất nghiệp. Quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp, vay vốn hỗ trợ việc làm cần bổ sung người lao động là dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Đồng chí Trần Đình Toàn, Phó Trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Một số ý kiến phát biểu tại hội nghị tập trung vào việc bổ sung các yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý thị trường lao động. Đồng chí Trần Đình Toàn, Phó Trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh cho rằng cần bổ sung vào dự thảo Luật Việc làm việc ứng dụng công nghệ AI trong quản lý thị trường lao động, vai trò của quản lý nhà nước và trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực thi chính sách việc làm. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo và tuyển dụng lao động, phối hợp cùng Nhà nước trong việc phát triển nguồn nhân lực. Quy định rõ hơn về tỷ lệ phân bổ ngân sách nhà nước cho các chính sách hỗ trợ việc làm cụ thể. Đối với cán bộ, công chức dôi dư, hiện nay dự thảo chưa có chính sách rõ ràng để giải quyết vấn đề này.

Bày tỏ sự quan tâm về tính khả thi của Luật Việc làm sau khi ban hành, đồng chí Cao Tiến Trung, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh cho rằng, Nghị định của Chính phủ cần phải quy định chi tiết các nội dung cụ thể, làm rõ phạm vi và đối tượng áp dụng, từ đó đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình thực thi. Đồng chí cũng nhấn mạnh cần xem xét việc đưa vào Luật các chính sách cụ thể về việc làm cho các nhóm đối tượng như thanh niên, người lao động cao tuổi, người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, nhằm đảm bảo tính toàn diện và đồng bộ trong việc thực thi chính sách lao động và việc làm.

Đồng chí Quế Thị Trâm Ngọc, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, Chi hội trưởng kết luận Hội nghị

Ngoài ra, dự thảo quy định Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ trong khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh nhưng chưa làm rõ các hình thức hỗ trợ cụ thể. Cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ như trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, ưu đãi thuế, tín dụng để đảm bảo tính thực tế và khả thi. Đồng thời, cần xác định rõ đối tượng ưu tiên trong từng tình huống nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Quế Thị Trâm Ngọc, cảm ơn các đại biểu đã có sự nghiên cứu trách nhiệm và tham gia các ý kiến sâu sắc xuất phát từ thực tiễn. Những ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được Chi hội Luật gia tổng hợp đầy đủ gửi Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.