Chiều 20/9, đoàn giám sát của HĐND tỉnh có cuộc làm việc với UBND huyện Quỳ Hợp theo chương trình giám sát chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát. Tham gia đoàn có đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh.

bna-mai-hoa-8-2426.jpg

Quang cảnh cuộc làm việc giữa đoàn giám sát của HĐND tỉnh với UBND huyện Quỳ Hợp theo chương trình giám sát chuyên đề. Ảnh: Mai Hoa

Quỳ Hợp có 79 mỏ được cấp phép còn hạn

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, hiện trên địa bàn huyện có tổng cộng 79 mỏ được cấp phép còn hạn, trong đó 34 mỏ khai thác đá hoa trắng; 29 mỏ khai thác đá xây dựng; còn lại là mỏ cát sỏi, quặng thiếc, nước khoáng.

Bên cạnh đó có 78 mỏ hết hạn, trong đó có 50 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ; 11 mỏ được cấp lại; 14 mỏ đang thực hiện trình tự thủ tục cấp lại; 3 mỏ đang thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án của UBND tỉnh phê duyệt.

Ngoài các điểm mỏ, trên địa bàn huyện hiện có 158 xưởng chế biến khoáng sản, trong đó có 47 xưởng sản xuất theo hộ kinh doanh.

bna-mai-hoa-19-717.jpg Đồng chí Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đề xuất tỉnh có cơ chế đặc thù cho huyện tăng cường quản lý khoáng sản trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa

Là huyện trọng điểm về khai thác khoáng sản, công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này được Quỳ Hợp quan tâm. Trong vòng 5 năm lại nay (2016-2021), UBND huyện đã ban hành 44 văn bản chỉ đạo, phân cấp công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Địa phương này cũng đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trong đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, trong doanh nghiệp và người dân; Gắn với thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm về khai thác khoáng sản chưa được cấp phép, khai thác ngoài khu vực mỏ được cấp phép, khai thác vượt công suất, trữ lượng được cấp phép; công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong khai thác và hoạt động chế biến khoáng sản.

bna-mai-hoa-7-91.jpg

Đồng chí Cao Tiến Trung - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đặt ra một số băn khoăn liên quan đến hạ tầng giao thông xuống cấp và ô nhiễm môi trường xung quanh các khu vực khai thác mỏ. Ảnh: Mai Hoa

Trong vòng 5 năm (2016 – 2021), UBND huyện Quỳ Hợp đã xử phạt 72 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Qua đó, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn ngày càng hiệu quả và hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn cũng hạn chế dần những tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, huyện Quỳ Hợp cũng thẳng thắn nêu lên một số khó khăn trong quản lý khoáng sản: các khu vực khoáng sản thường tập trung ở các vùng núi cao, giao thông đi lại khó nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn; một số loại khoáng sản như đá cảnh, đá thạch bàn thường phân tán nhỏ lẻ ở trong vườn, trong đất nông nghiệp của người dân nên khó quản lý. Mặt khác, biên chế của phòng Tài nguyên và Môi trường mỏng, chỉ có 5 người, ảnh hưởng đến công tác quản lý.

Để công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn hiệu quả hơn, huyện Quỳ Hợp kiến nghị tỉnh có cơ chế đặc thù cho địa phương, bao gồm cơ chế về nguồn thu thuế từ hoạt động khoáng sản và bổ sung biên chế quản lý khoáng sản; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp chế biến đá; kinh phí quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn; kinh phí xử lý các mỏ hết hạn…

bna-mai-hoa-15-7290.jpg

Thiếu tá Hoàng Chí Hiếu - Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh cho rằng, vẫn còn xảy ra tình trạng sử dụng vật liệu nổ chưa đúng quy định trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mai Hoa

Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản

Thông qua 2 tổ khảo sát trực tiếp tại một số điểm mỏ tại các xã Châu Lộc, Liên Hợp và làm việc với UBND các xã Châu Hồng, Châu Lộc, Liên Hợp, đồng thời lắng nghe ý kiến của người dân; tại cuộc làm việc với UBND huyện, các thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh đã nêu nhiều băn khoăn, đề xuất huyện cần tiếp tục quan tâm, vào cuộc thường xuyên và quyết liệt hơn, trong đó làm rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị để tạo bước chuyển thật sự trong thời gian tới.

Nổi lên là tình trạng khai thác trái phép đá, thiếc vẫn xảy ra trên địa bàn. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp khai thác ngoài khu vực được cấp phép và khai thác vượt công suất, trữ lượng được cấp phép; một số trường hợp sử dụng vật liệu nổ không đúng quy định pháp luật và nổ mìn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân gần khu vực mỏ.

bna-mai-hoa-16-7942.jpg

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề cập đến việc quản lý và xử lý các mỏ được cấp phép nhiều năm chưa khai thác. Ảnh: Mai Hoa

Một số thành viên đoàn giám sát cũng phản ánh tình trạng hạ tầng giao thông xung quanh khu vực mỏ xuống cấp và ô nhiễm từ bụi đá, vận chuyển khoáng sản. Đoàn giám sát cũng đặt ra một số vấn đề quan tâm liên quan đến việc xử lý sụt lún ở xã Châu Hồng, đảm bảo an cư cho người dân; xử lý xe quá khổ, quá tải; quản lý lao động ngoài địa bàn vào làm việc trong các doanh nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn lao động.

Trao đổi tại cuộc làm việc, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nêu nhiều vấn đề liên quan, như: Một số mỏ được cấp phép nhiều năm, có mỏ cấp 13 năm nhưng chưa được khai thác; một số mỏ khai thác cầm chừng, điểm mỏ hết hạn nhưng chưa đóng cửa mỏ; vấn đề phục hồi môi trường ở một số điểm mỏ không đảm bảo; việc phát huy vai trò và sử dụng tin tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản từ phía người dân; triển khai lấy ý kiến Nhân dân trong quy trình thực hiện hồ sơ cấp mỏ...

bna-mai-hoa-9-9689.jpg

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh quan tâm tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận cuộc làm việc, đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, hoạt động khoáng sản trên địa bàn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó khăn, đề nghị huyện Quỳ Hợp tiếp tục quan tâm.

Trong đó, huyện cần quan tâm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản; đặc biệt chú trọng khắc phục các tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản ảnh hưởng sinh hoạt của người dân như về tiếng ồn, ô nhiễm bụi, ô nhiễm nước sinh hoạt và nhà ở của dân.

bna-mai-hoa-13-4989.jpg

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh lắng nghe chia sẻ của người dân xã Châu Hồng. Ảnh: Mai Hoa

Huyện cũng cần tập trung đôn đốc, xử lý hậu quả sụt lún tại xã Châu Hồng, sớm ổn định cuộc sống cho người dân; Tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với các cấp, các ngành trong quản lý cũng như xử lý các vi phạm, khắc phục các sự cố có thể xảy ra; Duy trì chế độ báo cáo về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản từ cơ sở để vào cuộc xử lý các tình huống và vi phạm; Xem xét phục hồi môi trường sau khai thác và cơ chế giao đất cho người dân phát triển kinh tế.

bna-mai-hoa-4-4971.jpg

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh khảo sát trực tiếp tại mỏ đá tại xã Châu Lộc. Ảnh: Phan Giang

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khẳng định, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nhằm đánh giá đúng thực trạng và tìm giải pháp tháo gỡ, đưa hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên phạm vi toàn tỉnh đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn.

Mai Hoa