Tham gia cuộc thẩm tra có ông Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các ông, bà Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh và chủ đầu tư các dự án.
Thẩm tra dự thảo nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, các thành viên tham gia cuộc họp thẩm tra cơ bản đồng tình với đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 9 dự án, trong đó có 8 dự giao thông.
Mục đích điều chỉnh chủ trương đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình, dự án triển khai thuận lợi trong điều kiện lạm phát, giá cả các nguyên, vật liệu đều tăng, nếu không điều chỉnh thì không thể triển khai; đồng thời, đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư 9 dự án thuộc 2 nhóm: Nhóm giữ nguyên tổng mức đầu tư được quyết định ban đầu, nhưng cắt giảm quy mô thiết kế kỹ thuật, cắt giảm một số hạng mục; Nhóm giữ nguyên quy mô dự án, tăng tổng mức vốn đầu tư.
Nguồn vốn tăng thêm do các chủ đầu tư đảm bảo, trừ Dự án cầu Đò Cung bắc qua sông Lam, huyện Thanh Chương mặc dù do huyện Thanh Chương làm chủ đầu tư nhưng đây là dự án trọng điểm của tỉnh nên được bổ sung nguồn từ ngân sách tỉnh.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, các thành viên tham gia dự họp băn khoăn nhất, trong 9 dự án đề xuất điều chỉnh có 5 dự án tăng tổng mức đầu tư và nguồn vốn tăng thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư liệu có đáp ứng được.
Như Dự án cải tạo, nâng cấp đường nối từ Tỉnh lộ 534B tại xã Tân An với Tỉnh lộ 534D tại xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, với mức đề xuất điều chỉnh tăng hơn 28 tỷ đồng; hay Dự án nâng cấp tuyến đường du lịch từ Quốc lộ 7 đến Khu du lịch thác Khe Kèm, huyện Con Cuông tăng hơn 12 tỷ đồng…
Mặt khác, các dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư đều do các chủ đầu tư đảm bảo là các đơn vị cấp huyện; tuy nhiên, trong hồ sơ trình điều chỉnh chưa có ý kiến của Hội đồng nhân dân huyện, đề nghị bổ sung nội dung này.
Một số ý kiến cũng đặt ra băn khoăn việc điều chỉnh, cắt giảm quy mô thiết kế kỹ thuật một số hạng mục công trình, dự án; như giảm quy mô từ 4 tầng xuống 3 tầng; Nhà điều trị và cắt giảm hạng mục nhà ăn của Bệnh viện Y học cổ truyền; hay cắt giảm đường 2 đầu cầu đối với Dự án cầu Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu…
Tham gia ý kiến tại cuộc họp thẩm tra, ngoài nhấn mạnh lý do, mục đích cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án, ông Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã làm rõ nguồn vốn phân khai đảm bảo cho các công trình được triển khai.
Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu các chủ đầu tư trong quá trình triển khai quy trình các bước đầu tư phải trên tinh thần phát huy hiệu quả các dự án, giảm tối đa kinh phí; từ khâu đấu thầu, hợp đồng đơn giá, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công, tránh trượt giá, tăng giá, đảm bảo thời gian thi công các công trình, dự án theo quy định tối đa không quá 4 năm kể từ ngày cấp vốn.
Cuộc họp cũng tiến hành thẩm tra và đồng ý với đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ sung danh mục công trình, dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Mai Hoa