Trăn trở cùng sự phát triển của tỉnh

Năm 2023, HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức 6 kỳ họp. Ngoài 2 kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm, có 4 kỳ họp chuyên đề, với tổng số 107 Nghị quyết được ban hành. Việc tổ chức kỳ họp chuyên đề, ngoài thể hiện sự linh hoạt, đổi mới trong hoạt động, còn là sự trăn trở, đồng hành của HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương bằng việc kịp thời thống nhất ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải quyết các vấn đề, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

bna-img-9706-1028.jpg.webp
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khoá XVIII. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Trong năm 2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để tỉnh triển khai, chi tiết hóa các mục tiêu phát triển theo các giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; xây dựng, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển toàn diện nguồn nhân lực.

Cùng với đó, việc ban hành Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết xử lý vốn còn lại chưa giải ngân thuộc kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2022… đã tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển của tỉnh.

bna-dai-bieu-bieu-quyet-nghi-quyet-tai-ky-hop-thu-14-hdnd-tinh-nghe-an-khoa-xviii-anh-thanh-cuong-5370.jpg.webp
Các đại biểu biểu quyết Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường

Tương tự, các nghị quyết về chủ trương đầu tư các công trình, dự án về giao thông, đê bao, kè sông, trạm bơm, kênh mương thủy lợi, cơ sở y tế, giáo dục…, tạo điều kiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng - 1 trong 3 đột phá được tỉnh xác định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) chia sẻ: Nghị quyết số 01, ngày 07/07/2023 về một số chính sách hỗ trợ tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi của HĐND tỉnh đã góp phần giảm bớt một phần khó khăn cho ngư dân trong điều kiện giá dầu, lưới cụ và nguyên liệu phục vụ khai thác, đánh bắt thủy, hải sản tăng. Qua đó, khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi, bám biển, nỗ lực cùng các địa phương trong cả nước thực hiện việc gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam thông qua hỗ trợ chủ tàu mua thiết bị giám sát hành trình thay thế và cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.

image_6023452_2112019.JPG.webp
Các tàu cá của ngư dân Nghệ An sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Mới đây nhất, tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chức danh và chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp xóm. Theo ông Nguyễn Văn Quân - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Thịnh (Thanh Chương): HĐND tỉnh đã thấu hiểu và vào cuộc kịp thời giải quyết khó khăn của cơ sở trong vấn đề về cán bộ và cơ chế, chính sách, động viên người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở hoạt động tích cực, hiệu quả hơn.

Cũng trong năm 2023, thông qua tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, phiên giải trình, phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường, chất vấn tại 2 kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh đưa ra nhiều vấn đề đang còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc, được cử tri và Nhân dân phản ánh; như: Quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, tổng đội TNXP; giao đất, giao rừng cho người dân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; kiểm tra, thu hồi dự án chậm tiến độ; tình trạng thiếu giáo viên, nhân lực ngành Y tế, Du lịch; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển; phòng, chống bạo lực học đường, đuối nước trẻ em…

cac-dai-bieu-chat-van-tai-ky-hop-thu-17-hdnd-tinh-nghe-an-khoa-xviii-thanh-cuong-564.jpg.webp
Các đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Phát biểu tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: “Những vấn đề được HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đặt ra khá toàn diện, sâu sắc, sát thực tiễn, trên tinh thần xây dựng và vì sự phát triển chung của tỉnh. Từ sự thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh cũng gợi mở cho UBND tỉnh nhiều nội dung để tiếp tục chỉ đạo nhằm hoàn thiện các giải pháp, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới”.

Giải quyết tốt hơn kiến nghị của cử tri

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình khẳng định: “HĐND tỉnh tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh, các sở, ngành trong nghiên cứu cơ chế đặc thù mang tính vượt trội trình Quốc hội ban hành nghị quyết mới cho Nghệ An, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. HĐND tỉnh cũng đồng hành tích cực trong triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất dôi dư; rà soát bãi bỏ các chính sách hiệu quả không cao, manh mún, nhỏ lẻ và ban hành các chính sách đủ mạnh, thúc đẩy và tạo đột phá phát triển của tỉnh”.

bna-dong-chi-nguyen-nam-dinh-trao-doi-voi-nguoi-dan-xa-quynh-nghia-huyen-quynh-luu-lien-quan-den-chinh-sach-phat-trien-4498.jpg.webp
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao đổi với người dân xã Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu) liên quan đến chính sách phát triển nông, ngư nghiệp do HĐND tỉnh ban hành. Ảnh: Mai Hoa

Với trách nhiệm và mong muốn giải quyết tốt hơn kiến nghị của cử tri, năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay. Từ kết quả giám sát, bên cạnh ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các sở, ngành, các địa phương giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri do HĐND tỉnh chuyển đến; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cũng thẳng thắn chỉ ra có 98 kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt, có 28 kiến nghị tồn đọng kéo dài.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành cần vào cuộc giải quyết rốt ráo, thấu đáo hơn kiến nghị của cử tri; nội dung nào chưa giải quyết được mà lý do thiếu quy định pháp luật, cơ chế, chính sách thì rà soát kiến nghị Trung ương hoặc Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tháo gỡ, đảm bảo hợp hiến, hợp pháp trong giải quyết kiến nghị của cử tri; nội dung liên quan đến nguồn lực, nếu thuộc các công trình, dự án dân sinh cấp thiết thì nghiên cứu, đề xuất giải pháp, xác định giai đoạn đầu tư, tạo sự thuyết phục cao hơn trong trả lời cử tri, khắc phục việc trả lời thiếu nguồn lực là xong.

bna-dong-chi-nguyen-nhu-khoi-tim-hieu-dieu-kien-lao-dong-cua-cong-nhan-trong-co-so-che-bien-khoang-san-tai-huyen-quy-hop-mai-hoa-6244.jpg.webp
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tìm hiểu điều kiện lao động của công nhân trong cơ sở chế biến khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Mặt khác, cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Quyết định số 25, ngày 11/07/2019 của UBND tỉnh về Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, theo hướng chuyển đổi số; làm sao theo dõi được “hành trình” tiếp nhận, giải quyết, trả lời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Mai Hoa