toan_canh__pho_chu_tich_quoc_hoi_nguyen_khac_dinh7150292_2452022.jpg
Toàn cảnh phiên làm việc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội ngày 24/5. Ảnh: Quochoi.vn
NGHE VÀ THẢO LUẬN CÁC TỜ TRÌNH, CHƯƠNG TRÌNH

Trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Tiếp đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo đánh giá việc tổng kết và thẩm tra Tờ trình về nội dung này.

bna_z3437715344962_3049eb422b58217e49c2f9b83302cf0c5744394_2452022.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, với tư cách cơ quan tổng hợp báo cáo Chính phủ và Chính phủ báo cáo Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, phát biểu tiếp thu, giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

bna_image_1706251_2452022.jpg
Các đại biểu Đoàn ĐBQH Nghệ An dự họp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
bna__anl72429870104_2452022.jpg
Các đại biểu Đoàn ĐBQH Nghệ An dự họp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Phan Hậu

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết trên.

LÀM RÕ KHẢ NĂNG CÂN ĐỐI NGUỒN LỰC CHO DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 11 cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Giang và Khánh Hòa về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Đối với dự án đường Hồ Chí Minh, theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

bna_z3438754113501_10977bf8cca4308ed1034bb1e0742fc05377162_2452022.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh: Phan Hậu

Phát biểu thảo luận tại Tổ 11, một số ý kiến đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An đề nghị cần đánh giá khách quan nguyên nhân chậm tiến độ của dự án được xem tuyến đường chiến lược rất quan trọng về quốc phòng - an ninh, phát triển vùng phía Tây của đất nước và có giá trị truyền thống lịch sử này, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành và cân đối, bố trí nguồn lực.

Liên quan đến dự án đường Hồ Chí Minh, về định hướng thời gian tới, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ trăn trở khi công tác đánh giá, dự báo, lường các tình huống kể cả mặt tiến độ, thời gian, cũng như cân đối nguồn vốn bố trí để thực hiện dự án vẫn chưa đem lại sự an tâm cho đại biểu, đặc biệt là vấn đề cân đối nguồn lực của dự án vẫn chưa rõ.

bna_image_8171726_2452022.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 11. Ảnh: Phan Hậu

Về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý bày tỏ thống nhất cao ban hành Nghị quyết; đặc biệt đánh giá cao việc đề xuất cho phép Khánh Hòa thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; cũng như một số chính sách phù hợp với đặc thù tỉnh Khánh Hòa để phát triển Khu kinh tế Vân Phong và kinh tế biển.

bna_z3438646068844_1193845ef1cf7423e3568ebff114b6037690009_2452022.jpg
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 11. Ảnh: Phan Hậu

Thảo luận tại tổ, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị kiểm điểm nguyên nhân dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ, để rút kinh nghiệm trong triển khai các dự án tiếp theo; đồng thời bày tỏ băn khoăn từ nay đến năm 2026, nước ta bố trí ngân sách đầu tư công rất lớn cho các dự án giao thông, do đó, cần đánh giá được khả năng huy động, bố trí nguồn lực để thực hiện dự án này.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng chung đồng tình ủng hộ cao đối với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó, ông gợi mở nghiên cứu đề xuất thêm cơ chế cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức tỉnh nếu thu ngân sách của Khánh Hòa đảm bảo.

bna_z3438725568125_fee5009c62acd923af9195ed36e467677448513_2452022.jpg
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 11. Ảnh: Phan Hậu

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Đoàn Nghệ An, đề nghị đối với nội dung “HĐND tỉnh Khánh Hòa quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố và các nguồn hợp pháp khác của tỉnh để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, cần mở rộng nội hàm thêm nội dung với mục đích “phát triển kinh tế -xã hội”, bên cạnh thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tạo thuận lợi, linh hoạt trong quá trình thực hiện./.