tienluong-16969246109901406311278.jpeg

64,49% công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc có trình độ đại học trở lên

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ trong đó có nội dung khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc.

Cụ thể, về tình hình công chức, viên chức xin nghỉ việc, báo cáo cho biết: Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng số biên chế được giao.

Trong đó, số nhân sự cơ quan, tổ chức hành chính xin thôi việc, nghỉ việc là1.029 người, chiếm 10,19%. Con số này ở các đơn vị sự nghiệp công lập là 35.523 người, chiếm 89,81%.

Số lượng công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc ở các bộ ngành là 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người chiếm 78,81%). Số nghỉ việc, thôi việc ở các địa phương là 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người chiếm 92,22%).

Số lượng công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc trình độ đào tạo từ đại học trở lên là 25.507 người, chiếm tỷ lệ 64,49%.

Hoàn thiện chính sách tiền lương mới để khắc phục tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc

Về nhiệm vụ, giải pháp khắc phục báo cáo nêu rõ: Để kịp thời tháo gỡ tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc trong thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời trình Quốc hội thông qua phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) thực hiện từ ngày 1/7/2023.

Tuy nhiên để giải quyết căn cơ vấn đề này, trong thời gian tới Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiến lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát hệ thống thể chế, chính sách, điều chỉnh, bổ sung, đổi mới hơn nữa công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm khách quan, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài.

Thực hiện tăng lương trong năm 2023 và các năm sau

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, theo đó kinh phí tiết kiệm do tinh giản biên chế sẽ là nguồn ngân sách nhà nước quan trọng để thực hiện tăng lương trong năm 2023 và các năm sau.

Xây dựng môi trường làm việc, văn hóa công sở đảm bảo công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, tạo môi trường để cán bộ, công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm đối với công việc và cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức giỏi được phát huy tài năng và thăng tiến tốt hơn.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc năng động, sáng tạo, hiệu quả và tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trong hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ công.

Chính phủ chỉ đạo triển khai kịp thời chế độ tiền lương mới

Nghị quyết 164/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ giao các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các các bộ, cơ quan liên quan chủ động xây dựng các văn bản quy định và chuẩn bị các công việc cụ thể để triển khai kịp thời chế độ tiền lương mới khi được Trung ương và Quốc hội thông qua.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; tập trung phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc địa phương đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Tích cực đôn đốc một số bộ chưa ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ phải khẩn trương hoàn thành trước ngày 15/10/2023 để triển khai đồng bộ tại các bộ, cơ quan, địa phương.

Đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương

Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, theo thông tin tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023: "Những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.

Đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua".