tienluong-16881814642961359348397-16931295828861221430400.jpeg

Tiền lương thấp, áp lực công việc ngày càng tăng, công chức, viên chức nghỉ việc

Thời gian gần đây, báo chí có thông tin về việc cán bộ, công chức, viên chức ở Bình Thuận xin nghỉ, thôi việc có xu hướng tăng.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận Đỗ Thái Dương, qua thống kê, từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/4/2023, toàn tỉnh có 215 cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chiếm 1,26% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Trong đó, có 38 trường hợp là cán bộ, công chức (chiếm 2,06% tổng số cán bộ, công chức của tỉnh); 177 trường hợp là viên chức (chiếm 1,18% tổng số viên chức của tỉnh), tập trung vào nhóm đối tượng viên chức thuộc các ngành giáo dục và y tế (riêng ngành y tế chiếm 36% tổng số cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc).

Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc có xu hướng tăng có nhiều nguyên nhân. Trước tiên là do chế độ tiền lương thấp, còn nhiều bất cập, nhiều người nghỉ việc để tìm việc làm có thu nhập tốt hơn.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật hiện hành cho việc thực thi công vụ, nhiệm vụ quá nhiều, có sự chồng chéo, khó khăn trong thực thi, áp dụng, khiến cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý sợ sai khi thực hiện, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm.

Một nguyên nhân khác là áp lực công việc ngày càng tăng sau khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Một số trường hợp công việc quá tải trong khi chế độ tiền lương, đãi ngộ chưa tương xứng.

Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận đang đề xuất các cấp thẩm quyền có chính sách cải thiện tiền lương, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, bảo đảm được nhu cầu, điều kiện sống cơ bản; cần có chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức chuyên môn về y tế, giáo dục.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh rà soát, sắp xếp vị trí việc làm, bố trí, phân công công việc khoa học, hợp lý, khắc phục tình trạng quá tải công việc.

Bình Thuận chỉ là một trong số các địa phương có cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc thời gian qua.

Xu hướng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc có phần tăng lên

Xu hướng xin nghỉ việc, thôi việc trong các bộ, ngành, địa phương một năm qua có phần tăng lên so với giai đoạn tháng 1/2020 đến tháng 6/2022.

Trong đó, công chức chiếm 10,36% và viên chức chiếm 89,64% (viên chức sự nghiệp giáo dục - đào tạo chiếm 54,2% và sự nghiệp y tế chiếm 26,5%; ở độ tuổi dưới 50 tuổi chiếm 86,25%).

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất trong thời gian từ 1/7/2022 – 30/6/2023 là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang, chiếm 38,63% tổng số người thôi việc trong cả nước.

Để giải quyết tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc, Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đối với tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã tham mưu tổ chức tuyển dụng 14.244 công chức, viên chức. Trong đó công chức là 2.242 người, viên chức là 12.002 người, kịp thời bổ sung số công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026, riêng đối với năm học 2022 - 2023 bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương, còn 38.130 biên chế giáo viên được bổ sung cho các địa phương trong các năm học tiếp theo đến năm 2026.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi định mức giáo viên/lớp để làm cơ sở cho các địa phương xác định biên chế giáo viên.

Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Nội vụ sẽ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương để phân bổ biên chế giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương và phụ cấp mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW

Bộ Nội vụ cho biết, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư có xu hướng tăng từ năm 2020 đến nay do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân tiền lương thấp so với nhu cầu thiết yếu của cán bộ, công chức, viên chức.

Trước thực trạng nêu trên, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và dự báo tốc độ phát triển phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm sau, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 (trong đó có bố trí kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng thêm 20,8% đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang) và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (thực hiện từ ngày 01/7/2023).

Đồng thời, Bộ Nội vụ đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương và phụ cấp mới (trong đó có quy định hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức) thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, đảm bảo theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp./.