Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Làm đậm các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã sửa đổi, bổ sung quy định cách tính tổng số điểm phân loại đơn vị hành chính và hồ sơ, trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại những nơi không tổ chức HĐND theo quy định của Quốc hội; sửa đổi, bổ sung làm rõ quy định về cách tính điểm tăng thêm của các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính khi đạt trên mức tối thiểu và cách thức tổ chức thẩm định Hồ sơ phân loại đơn vị hành chính để thống nhất với việc phân loại đô thị (theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính phụ thuộc vào 5 nhóm tiêu chí liên quan đến chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm bảo đảm chất lượng của đô thị. “Nói đến đô thị thì đương nhiên tiêu chí đầu tiên phải căn cứ vào dân số và mật độ dân số. Nhưng trong chất lượng đô thị có hai vấn đề quan trọng nhất, mang tính quyết định là trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị và vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị, nên chăng có thêm tiêu chí “điểm thưởng”, “điểm ưu tiên” trong cách tính điểm tăng thêm của các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đơn cử, trong nhóm tiêu chí về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, có thể cân nhắc bổ sung các tiêu chuẩn về năng lực cạnh tranh đô thị, chất lượng hay năng lực của chính quyền đô thị, mức độ hài lòng của người dân về hệ thống dịch vụ công trong môi trường Chính phủ điện tử... Hoặc trong nhóm tiêu chí về hạ tầng kiến trúc, cảnh quan đô thị thì nên chăng có thể cân nhắc thêm các tiêu chuẩn “cộng điểm” đó là phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, phân rác tại nguồn, sử dụng năng lượng tái tạo... Đưa ra những gợi ý này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu làm đậm hơn các nhóm tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính, hoặc đưa ra hệ số cao hơn trong cách tính điểm các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính nhằm thể hiện rõ sự khác biệt trong một số tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.
Phân loại đô thị theo vùng miền tương ứng với 6 vùng kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tiếp thu ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Thông báo số 1312/TB-TTKQH ngày 3.8.2022 và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1338a/TB-TTKQH ngày 11.8.2022, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết tập trung vào một số nội dung chính như sau: nghiên cứu, điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị bảo đảm phù hợp với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết có liên quan của Bộ Chính trị và yêu cầu thành lập đơn vị hành chính đô thị; làm rõ việc đề xuất các mức áp dụng đối với các đô thị có yếu tố đặc thù gắn với yêu cầu bảo đảm chất lượng đô thị; rà soát quy định cách thức xác định tỷ lệ % cần đạt được theo quy định đối với một số tiêu chí, tiêu chuẩn có tính định tính, chưa lượng hóa cụ thể; điều chỉnh các tiêu chuẩn đối với đơn vị hành chính và các tiêu chí phân loại đô thị bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa hai Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211…
Về phân loại đô thị theo vùng miền, dự thảo Nghị quyết quy định rõ mức áp dụng khác nhau về một số tiêu chí, tiêu chuẩn như quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và mức độ phát triển kinh tế - xã hội, mức độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với 6 vùng kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với các vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Về các quy định áp dụng phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù: dự thảo Nghị quyết quy định rõ mức áp dụng đối với các trường hợp đô thị, khu vực dự kiến hình thành đô thị: có đường biên giới quốc gia; ở hải đảo; thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai; có di sản văn hóa hoặc di sản thiên nhiên thế giới; được quy hoạch, đầu tư phát triển thành đô thị thông minh, sáng tạo, khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định đối với các trường hợp việc phân loại đô thị thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về việc áp dụng tiêu chí phân loại đô thị theo vùng miền tương ứng với 6 vùng kinh tế - xã hội như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, để tạo cơ sở cho việc thực hiện Nghị quyết một cách thuận lợi, thống nhất, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết Phụ lục 4 về Danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân chia theo 6 vùng miền như nội dung quy định tại khoản này phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo vùng đã được cấp có thẩm quyền xác định.
Tán thành với đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về nội dung nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ có tính chất đặc thù về địa hình bằng phẳng, là hai vùng đô thị tập trung với các trung tâm hành chính kinh tế lớn nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi mọi mặt, dân cư đông thì áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị theo quy định ở mức cao nhất là phù hợp. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, đối với đô thị thuộc vùng kinh tế - xã hội khác, cần làm rõ hơn cơ sở, tính khả thi của việc đề xuất mức áp dụng 50%, 60%, 70% và 80% tiêu chuẩn quy mô dân số, mật độ dân số đối với từng vùng, miền cụ thể.
Về áp dụng phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu thực tế, với việc áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết số 1210 hiện hành thì các đô thị vẫn đang được hình thành ở cả những vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai như đồng bằng sông Cửu Long hay khu vực ven biển miền Trung. Tuy nhiên, phát triển đô thị ở các vùng chịu tác động của các yếu tố thiên nhiên không thuận lợi cần được tính toán, cân nhắc thận trọng. Do đó, chưa nên đưa các đô thị loại IV, loại V chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai vào diện đô thị có yếu tố đặc thù cần được giảm tiêu chí phân loại đô thị, bởi chưa có căn cứ, cơ sở để tính toán, xác định cụ thể địa bàn, số lượng đô thị sẽ được áp dụng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cần quan tâm tới khu vực dự kiến hình thành đô thị để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của cố đô, di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận (tại các điểm d, đ khoản 2, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết) bởi tính chất đặc thù của đô thị loại này. Các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị vẫn thực hiện theo quy định đối với đô thị tương ứng là đô thị loại I, để bảo đảm yêu cầu về chất lượng đô thị.
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đối với một số loại đô thị đặc thù như đô thị thông minh, sáng tạo, khoa học - công nghệ mà Chính phủ đề xuất được giảm tiêu chí quy mô dân số và mật độ dân số, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề có nhiều tính chất mới, cần có cơ sở khoa học, lý luận, thực tiễn chắc chắn. “Nếu những vấn đề đã được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh là đã rõ, đã chín thì trong thời điểm thích hợp chúng ta bổ sung, còn nếu chưa thì sẽ tiếp tục nghiên cứu”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị đánh giá thêm một số loại đô thị có tính chất đặc thù khác như: đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị du lịch, đô thị logistics… nhằm thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo mới về phát triển đô thị khi có đủ cơ sở cần thiết.
Nhật An