Dẫu vậy, sau hơn 3 năm có hiệu lực, tính “cách mạng” của đạo luật này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống khi hầu hết các quy hoạch phải lập theo Luật Quy hoạch đến nay đều bị chậm tiến độ, chưa kể những lo ngại về chất lượng. Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XV đã và đang tác động mạnh mẽ, tạo ra những chuyển biến ngay trong thực tiễn.
Lúng túng vì quá… mới?!
Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIV, với gần 90% tổng số đại biểu Quốc hội ấn nút đồng ý, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch. Dù vẫn có tới 19 đại biểu không đồng ý và 3 đại biểu không biểu quyết nhưng kết quả này cũng được đánh giá là thành công lớn bởi trước đó, ngay từ khi khởi thảo, dự luật này đã trải qua nhiều “sóng gió” với những luồng quan điểm rất khác nhau. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi đó đã khẳng định trước Quốc hội rằng, Luật Quy hoạch là một bước cải cách về thể chế để tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. Với việc mạnh dạn đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, Luật Quy hoạch sẽ là công cụ quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng, khai thác các nguồn lực quốc gia; tăng cường liên kết phát triển vùng, phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương và từng ngành. Đặc biệt là khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và các vùng miền trong cả nước, tránh xung đột lợi ích và mâu thuẫn, chồng chéo trong phát triển nhưng vẫn bảo đảm quản lý các ngành trong lập quy hoạch và quản lý quy hoạch; khắc phục được tình trạng xin - cho, tùy tiện trong điều chỉnh các quy hoạch...
Toàn cảnh phiên họp 3 Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch làm việc với thành phố Hà Nội ngày 9.3.2022 Ảnh: Lâm Hiển
Tuy vậy, với những tranh luận quyết liệt giữa các bộ, ngành trong gần 2 năm (3 Kỳ họp) Quốc hội xem xét dự thảo Luật Quy hoạch, các nhà lập pháp của Quốc hội Khóa XIV cũng ý thức sâu sắc rằng, đây là đạo luật mới, rất khó và phức tạp, nên việc triển khai thực hiện sẽ không đơn giản, thậm chí là nhiều khó khăn, thử thách. Vì thế, thời gian có hiệu lực thi hành của Luật Quy hoạch kể từ khi thông qua được Quốc hội quy định rất dài, hơn một năm so với thông lệ chỉ khoảng 6 tháng của các luật khác. Mục đích là để Quốc hội, Chính phủ có đủ thời gian sửa đổi các luật, pháp lệnh có liên quan, ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành, các kế hoạch triển khai, tập huấn phương pháp quy hoạch mới… chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực thi Luật.
Ngay sau đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung 66 luật, 7 pháp lệnh để bảo đảm sự đồng bộ về quy định và thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Quy hoạch. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7.5.2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. 14 nghị định của Chính phủ, 12 thông tư của các bộ cũng đã được ban hành để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Không thể phủ nhận nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các quy định rất mới, rất khó của Luật Quy hoạch. Nhưng, thực tế cũng cho thấy, những kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn, đặc biệt là tiến độ lập các quy hoạch vô cùng chậm so với đòi hỏi của thực tế và so với chính các mốc thời gian, kế hoạch được Chính phủ xác định tại Nghị quyết số 11 ngày 5.2.2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Đến nay, mới chỉ có 5 quy hoạch cấp quốc gia, một quy hoạch vùng, một quy hoạch tỉnh được phê duyệt; 4 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt; 11 quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong nhưng vẫn đang lấy ý kiến theo quy định.
Giải trình với Đoàn giám sát của Quốc hội tại các cuộc làm việc vừa qua, lãnh đạo Chính phủ và hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều chỉ ra một trong những nguyên nhân khách quan khiến tiến độ quy hoạch chậm chạp là bởi, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp, lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành nên có sự lúng túng cả trong tư duy, nhận thức và phương pháp tổ chức thực hiện. Trong đó, một “nguyên nhân của nguyên nhân” được nhiều bộ, ngành chỉ ra và lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch - cũng thừa nhận chính là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch rất chậm. Điển hình là Nghị định số 37 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật bị chậm tới 14 tháng. Hay, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công bị chậm tới 23 tháng. Việc chậm hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí thuê tư vấn phản biện độc lập, lập dự toán kinh phí cho hoạt động quy hoạch khi chuyển từ chi thường xuyên trước đây sang đầu tư công đã dẫn đến quá trình khởi động, xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch bị kéo dài, chậm đăng ký vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thực tế theo phản ánh của nhiều bộ, ngành và địa phương, khi các văn bản này được ban hành thì nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác quy hoạch cũng đã cơ bản được tháo gỡ.
Quyết tâm cao nhất hoàn thành quy hoạch trong năm 2022
Điều đáng mừng, như nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định là, ngay sau khi Quốc hội quyết định tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, thì công tác quy hoạch trên thực tế đã có chuyển biến. Tiến độ lập các quy hoạch đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy nhanh hơn. Ngày 25.7.2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2022, thì ngay sau đó, trong tháng 8.2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch. Một tháng sau đó, ngày 27.9.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Trên cơ sở Nghị quyết này, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng tiến độ và kế hoạch cụ thể từng tháng, quý tương ứng với từng giai đoạn lập quy hoạch. Đầu tháng 3 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ quy hoạch. Tại các cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội vừa qua, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đều khẳng định dành quyết tâm chính trị cao nhất và đang tập trung các nguồn lực để hoàn thành quy hoạch thuộc trách nhiệm được giao đúng thời hạn.
Với quyết tâm chính trị như vậy có thể trông đợi việc hoàn thành đúng tiến độ các quy hoạch vào cuối năm nay. Nhưng chất lượng quy hoạch lại là câu chuyện khác khi quá trình làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ngành, địa phương cho thấy thực tế đúng là có những vướng mắc cả về chính sách, pháp luật và cả trong tổ chức thực thi. Điều đáng nói là bên cạnh những khó khăn được Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương cơ bản “đồng thuận”, như phương pháp lập quy hoạch mới, khó, phức tạp, đội ngũ tư vấn quy hoạch còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, kinh nghiệm, kinh phí cho công tác lập quy hoạch… thì còn có những vấn đề đang rất khác nhau về nhận thức, quan điểm. Thậm chí, đã có những ý kiến đề nghị phải sửa đổi ngay Luật Quy hoạch, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch rất khó nhưng phải làm bằng được nếu không muốn làm "sống lại" tình trạng "loạn" quy hoạch, manh mún, xung đột, chồng chéo... trước đây.
Từ sau Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội (ngày 4.11.2021) đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch đã triển khai khối lượng công việc rất lớn, huy động sự tham gia giám sát, phản biện của các cơ quan chuyên môn như Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia độc lập am tường lĩnh vực quy hoạch, Đoàn ĐBQH, HĐND các địa phương… nhằm đánh giá chính xác, khách quan kết quả và những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch vừa qua, xác định rõ những yêu cầu đặt ra với cơ quan thực thi và với chính cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát.
Cùng với yêu cầu phải cá thể hóa được trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với từng tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác quy hoạch thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhiều lần nhấn mạnh hai chữ “chúng ta” - tức là “Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch như thế nào; không đổ lỗi cho ai mà phải hết sức khách quan, thẳng thắn, trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước. Và quan trọng nhất là phải đề xuất được giải pháp gì cả về hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi để bảo đảm tiến độ, chất lượng quy hoạch trong thời gian tới".
Với những chuyển động bước đầu trong công tác quy hoạch kể từ khi Quốc hội quyết định giám sát tối cao về chuyên đề này cùng những kết quả sẽ được Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tới đây, tin rằng, tinh thần “cách mạng” của Luật Quy hoạch sẽ thực sự đi vào cuộc sống.
Hải lam