Đề xuất các biện pháp, giải pháp đảm bảo ATGT
Chiều 26/11, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp tục cuộc họp thẩm tra một số dự thảo nghị quyết và các báo cáo liên quan đến lĩnh vực giao thông - vận tải, nội vụ. Ông Phạm Thành Chung - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa
Tham dự cuộc họp thẩm trcó đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh.
Thẩm tra dự thảo nghị quyết quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; các thành viên dự họp cơ bản đồng tình với các nội dung được trình.
Một số thành viên đề xuất cơ quan soạn thảo điều chỉnh, bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan đến nguyên tắc thực hiện; nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã để triển khai thực hiện việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm và quản lý hành lang ATGT theo phân cấp quản lý, đảm bảo dễ thực hiện sau khi nghị quyết ban hành.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tham gia ý kiến tại cuộc thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung việc thành lập đoàn công tác liên ngành cấp huyện để kiểm tra thường xuyên và đột xuất vi phạm hành lang ATGT vào các biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT.
Cùng với đó là quan tâm thành lập các tổ quản lý trật tự đô thị gắn với hỗ trợ phương tiện hoạt động tại các thị trấn.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa
Nhiều ý kiến cũng đề xuất UBND tỉnh, sau khi nghị quyết ban hành cần ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong thực hiện các biện pháp giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT nhằm tạo chuyển biến tích cực sau khi nghị quyết ban hành.
Quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là trên Báo Nghệ An, Đài PTTH tỉnh, nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân trong chống tái lấn chiếm, đảm bảo hành lang ATGT.
Đồng chí Hoàng Phú Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tiếp thu và giải trình một số vấn đề Ban Pháp chế đặt ra. Ảnh: Mai Hoa
Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết về bố trí ngân sách địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; thẩm tra báo cáo công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2021, nhiệm vụ năm 2022.
Vấn đề được các thành viên dự họp đặt ra là mặc dù tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm, tuy nhiên, số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng giảm chưa nhiều.
Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân vì sao đối tượng vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhiều nhất là lao động tự do và học sinh, sinh viên để có giải pháp; xử lý các điểm “đen” mất ATGT, quyết liệt hơn trong xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe...
Đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tham gia ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa
Thống nhất bổ sung 2 chức danh thú y và bảo vệ thực vật
Thẩm tra về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Nghệ An về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh; các thành viên dự họp đều đồng tình cao với đề xuất của UBND tỉnh bổ sung 2 chức danh thú y và bảo vệ thực vật, khuyến nông, khuyến ngư.
Tuy nhiên việc bổ sung 2 chức danh này không đồng nghĩa với việc tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà vẫn áp dụng số lượng 10 người đối với xã loại III; 11 người đối với xã loại II và 12 người đối với xã loại I.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa
Vì vậy, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, các địa phương có thể linh hoạt bố trí phù hợp theo hướng: một là bố trí kiêm nhiệm hoặc giảm chức danh khác để bố trí chức danh thú y, bảo vệ thực vật. Những địa bàn không cấp bách, cần thiết về chức danh thú y, bảo vệ thực vật so với các chức danh khác thì có thể vẫn giữ nguyên việc bố trí như hiện tại.
Có ý kiến cũng đề xuất, ngoài bổ sung chức danh thú y và bảo vệ thực vật, khuyến nông, khuyến ngư thì cần bổ sung thêm chức danh nhân viên đài truyền thanh cấp xã…
Một số ý kiến đề xuất nâng mức bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia công việc ở xóm, khối, thôn, bản cao hơn mức hiện hành theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND...
Đồng chí Lê Đình Lý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tiếp thu, giải trình một số vấn đề Ban Pháp chế đặt ra. Ảnh: Mai Hoa
Thời gian còn lại của cuộc họp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra một số dự thảo nghị quyết về giao biên chế công chức và thống nhất số lao động hợp đồng theo Nghị quyết số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước tỉnh Nghệ An năm 2022. Thẩm tra báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2021, nhiệm vụ năm 2022.
Mai Hoa