Nhận thấy vấn đề này vẫn còn những bất cập, tháng 10 năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh “quy định một số giải pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025” và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

bna-toan-canh-anh-thanh-le-8168--n1.jpg
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Qua hoạt động khảo sát của Ban Pháp chế, phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và các giải pháp để thực hiện tốt công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã được các đại biểu và UBND tỉnh, các sở, ngành làm rõ. UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh toàn diện, quyết liệt và hiệu quả. Các cấp, các ngành đã nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông và chỉ đạo của UBND tỉnh. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện cơ bản kịp thời, đầy đủ. Hoạt động chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các ngành, địa phương có nhiều chuyển biến. Nguồn lực cho lực lượng đảm bảo an toàn giao thông được quan tâm đầu tư. Việc xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn gây nguy cơ tai nạn giao thông đã được chú trọng. Công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định, có tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông. Công tác giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đảm bảo đúng tiến độ của Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/01/2022 của UBND tỉnh; hành vi xâm phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông của người dân đã được hạn chế; các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt đã tăng cường trách nhiệm trong công tác bảo vệ hạ tầng giao thông. Trong năm 2022, tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; giảm cả 3/3 tiêu chí về tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2021; không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn giao thông, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông chưa được duy trì thực hiện thường xuyên, việc xử lý các trường hợp vi phạm của UBND cấp xã còn thiếu kiên quyết, hiệu quả chưa cao. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở một số ngành, địa phương còn chậm, chưa hiệu quả. Hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh và một số huyện còn hạn chế. Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng của phương tiện giao thông. Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông chưa quyết liệt, thường xuyên, còn bỏ lọt nhiều vi phạm. Việc xử lý các phương tiện tự chế, xe công nông, xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe cơi nới thành, thùng chưa được giải quyết dứt điểm. Nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa kịp thời. Năm 2022, chỉ có 3/21 huyện giảm 3/3 tiêu chí về tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2021.

doan-giam-sat-cua-hoi-dong-nhan-dan-tinh-da-khao-sat-viec-chap-hanh-phap-luat-ve-an-toan-giao-thong-tai-thi-xa-hoang-mai-.jpg
Đoàn Giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đã khảo sát việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông tại thị xã Hoàng Mai.

Qua khảo sát và hoạt động giải trình, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT còn mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với tình hình thực tế; hỗ trợ, bố trí kịp thời nguồn vốn để thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được phê duyệt. Đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư; kịp thời sửa chữa, khắc phục các tồn tại, bất cập của các công trình cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn theo thẩm quyền quản lý; tăng cường biên chế cho lực lượng Thanh tra Giao thông – Vận tải theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 05/3/2010.

Sau khi nhận được Báo cáo của Đoàn khảo sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Thông báo kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo kế hoạch của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, các văn bản có liên quan và Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND. Tập trung quyết liệt, đồng bộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; triển khai các nhiệm vụ của Năm an toàn giao thông 2023 theo chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông”. Từ Báo cáo số 799/BC-UBND ngày 17/11/2022 về tình hình, kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 cho thấy, UBND tỉnh đã triển tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát huy vai trò quản lý của chính quyền các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 1159/UBND-NC ngày 24/2/2023 về khắc phục tồn tại trong công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, an toàn giao thông đường thủy nội địa; giao Sở Nội vụ dự thảo Hướng dẫn kỷ luật và xử lý trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Các cấp, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã đã tăng cường xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền và tiến hành cưỡng chế, giải tỏa hành lang an toàn giao thông theo quy định; thực hiện các biện pháp duy trì kết quả giải toả, chống tái chiếm hành lang an toàn giao thông. Khảo sát, rà soát lắp đặt bổ sung hoặc thay thế các biển báo giao thông, tập trung tại các vị trí thường xẩy ra tai nạn giao thông; xây dựng bổ sung các gờ giảm tốc độ tại các điểm giao cắt với quốc lộ; quy hoạch bổ sung các điểm dừng, đỗ xe, nhất là ở các tuyến đường trong khu vực đô thị; có các giải pháp, cơ chế, chính sách xã hội hoá đầu tư, xây dựng các điểm dừng, bãi đỗ xe tập trung tại các đô thị có mật độ dân số và số lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, nhất là ở thành phố Vinh. Bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, các tuyến giao thông huyết mạch nối các vùng miền, khu vực kinh tế trọng điểm; kịp thời khắc phục hạ tầng giao thông bị hư hỏng do thiên tai, bão lụt; những bất cập về hạ tầng giao thông, các “điểm đen” tiềm ẩn tai nạn giao thông; cấp đầy đủ, kịp thời kinh phí cho các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải khách bằng xe buýt, vận tải khách liên tỉnh, xe cứu thương; điều chỉnh tần suất, lộ trình, điểm dừng đỗ xe buýt đảm bảo khoa học, hợp lý, phục vụ nhu cầu của Nhân dân và đảm bảo trật tự, an toàn trong lĩnh vực vận tải; công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các phương tiện tham gia giao thông; quản lý hoạt động của các cơ sở đào tạo lái xe.

2-6675.jpg
Đoàn Giám sát kiểm tra kho giữ phương tiện vi phạm giao thông tại Công an huyện Hưng Nguyên

Như vậy có thể thấy, qua hoạt động khảo sát của Ban Pháp chế và giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, những hạn chế trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được khắc phục kịp thời. Các kiến nghị đã được UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện tương đối đầy đủ, những nội dung chưa thực hiện đã được Ban Pháp chế rà soát, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo đôn đốc, nhắc nhở, giám sát việc thực hiện. Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh vào tháng 5 năm 2023 sắp tới, Thường trực HĐND tỉnh sẽ nghe kết quả thực hiện các Thông báo kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số giải pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, nội dung đã được giải trình vào phiên họp tháng 10 năm 2022. Cử tri tỉnh nhà có thể tin tưởng rằng Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh sẽ tiếp tục giám sát những nội dung nổi cộm mà cử tri phản ánh nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, lĩnh vực tác động lớn đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. /.