Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Tham gia cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và đơn vị liên quan.

bna_-quang-canh-cuoc-lam-viec.-anh-mai-hoa-.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Có 456 dự án được phân bổ vốn

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 là gần 20.915 tỷ đồng (chưa bao gồm nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia).

Trong đó, hơn 10.053 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương; hơn 2.328 tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài; hơn 8.532 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương.

bna_-giam-doc-so-ke-hoach-va-dau-tu.jpg
Đồng chí Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Kết quả phân bổ vốn, đến nay đã phân bổ hơn 20.796 tỷ đồng, đạt 99,44% tổng kế hoạch; còn hơn 118 tỷ đồng chưa phân bổ. Hiện có 456 dự án được phân bổ vốn từ các nguồn, trong đó có 424 dự án đã triển khai thực hiện; 16 dự án bố trí để thu hồi vốn ứng trước; 16 dự án chưa triển khai thực hiện.

Ngoài ra, kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, trong giai đoạn 2021 – 2025, Nghệ An được Trung ương phân bổ thực hiện 3 dự án trọng điểm, liên vùng với tổng 4.220 tỷ đồng.

bna_-dong-chi-giam-doc-.jpg
Đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công thuộc ngành quản lý. Ảnh: Mai Hoa

Kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trong 3 năm 2021 - 2023 với tổng vốn đã bố trí là hơn 13.436 tỷ đồng, đạt 64,24% kế hoạch trung hạn; tỷ lệ giải ngân đạt 94,27%.

Ngoài báo cáo tổng thể của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tại cuộc làm việc, lãnh đạo của các sở, ngành, đơn vị cũng đã báo cáo việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc ngành, lĩnh vực; đồng thời phản ánh một số khó khăn, vướng mắc đặt ra liên quan đến quy trình thủ tục chuẩn bị đầu tư đang kéo dài.

bna_-dong-chi-nguyen-van-an-pho-.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải nêu một số khó khăn trong triển khai thực hiện các công trình, dự án giao thông. Ảnh: Mai Hoa

Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã được các cấp, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, khi dự án chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng đã có một số công trình, hạng mục đầu tư trước đã xuống cấp.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn vốn đối ứng để thực hiện một số công trình, dự án theo cam kết của các địa phương đạt thấp, phải điều chỉnh bổ sung từ ngân sách tỉnh.

bna_-ong-tri.jpg
Đồng chí Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam nêu ý kiến tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Một số băn khoăn đặt ra

Trên cơ sở nghiên cứu các báo cáo của các ngành, địa phương và trực tiếp giám sát, khảo sát triển khai việc thực hiện kế hoạch đầu tư công cũng như tiến độ thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; các thành viên đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn liên quan đến thực trạng nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, thậm chí là điều chỉnh nhiều lần.

bna_-dong-chi-nguyen-nhu-khoi.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nêu nhiều băn khoăn liên quan đến công tác thẩm định thiết kế, bố trí vốn dẫn đến nhiều dự án triển khai nhiều năm chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng; phương pháp thi công đang gây lãng phí nguồn lực. Ảnh: Mai Hoa

Công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình, dự án còn có những hạn chế; dẫn đến có những công trình, dự án khi đầu tư xây dựng còn thiếu các công trình, hạng mục cần thiết như phòng cháy, chữa cháy, xử lý nước thải hoặc các hạng mục để đảm bảo sự đồng bộ, phát huy hiệu quả công trình, dự án khi hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Ở một số dự án, công trình, việc xác định đơn vị quản lý, chủ đầu tư dự án chưa hợp lý, dẫn đến điều chuyển chủ đầu tư và lựa chọn đơn vị thi công chưa đáp ứng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Vẫn còn tình trạng lãng phí trong đầu tư công do áp dụng phương án thi công chưa phù hợp…

bna_-dong-chi-cao-tien-trung-uy-vien-thuong-truc-truong-ban-kinh-te-va-ngan-sach-hdnd-tinh-neu-mot-so-van-de-lien-quan-den-.jpg
Đồng chí Cao Tiến Trung - Uỷ viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh nêu một số vấn đề liên quan đến hạn chế trong đầu tư công. Ảnh: Mai Hoa

Ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các công trình, dự án kéo dài

Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của các sở, ngành đúng quy định của pháp luật và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các sở, ngành cũng đã quyết liệt chỉ đạo giải ngân; linh hoạt điều chuyển vốn đầu tư công đối với các dự án, công trình khả thi thấp hoặc giải ngân vốn thấp sang công trình, dự án có khối lượng thực hiện và giải ngân tốt.

bna_-dong-chi-nguyen-nam-dinh-.jpg
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là những vấn đề tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm để chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030. Trong đó, chú trọng huy động, lồng ghép các nguồn lực Trung ương, nguồn lực theo cơ chế đặc thù, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách các cấp….; xác định rõ các công trình, dự án trọng điểm theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030; quan tâm cập nhật, bổ sung các quy định mới, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách… để đảm bảo triển khai thực hiện đúng quy định và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu các sở, ngành tập trung bố trí vốn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai đầu tư dứt điểm các công trình, dự án kéo dài trong nhiều năm; vừa đáp ứng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh, của các ngành, vừa tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, khi một số công trình, hạng mục đã đầu tư đang xuống cấp.

Các sở, ngành cũng cần quan tâm giải quyết các kiến nghị, đề xuất và vướng mắc của các địa phương, đảm bảo thúc đẩy việc triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trên phạm vi toàn tỉnh.