HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh rà soát, bổ sung các chính sách tạo động lực thúc đẩy phát triển
Tham gia cuộc làm việc có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh và địa phương.
Bố trí gần 1.800 tỷ đồng thực hiện các chính sách HĐND tỉnh ban hành
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành 25 nghị quyết về cơ chế, chính sách đang còn hiệu lực thi hành, thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Trong phạm vi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh có 11 nghị quyết; trong đó có 6 nghị quyết lĩnh vực kinh tế - ngân sách và 5 nghị quyết lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Trên cơ sở giám sát trực tiếp tại 3 huyện (Anh Sơn, Nam Đàn, Quỳnh Lưu) và làm việc với một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, tại cuộc làm việc, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo, phân công trách nhiệm các sở, ngành cấp tỉnh hướng dẫn triển khai, kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở trong triển khai thực hiện các chính sách. UBND tỉnh, cấp huyện và xã quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện 11 nghị quyết với tổng gần 1.800 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hơn 770 tỷ đồng.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, đa số các chính sách HĐND tỉnh ban hành có tác động đối với sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương.
Điển hình như chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương: Đô Lương, thị xã Thái Hòa, thị xã Cửa Lò; chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên, các nghệ nhân, nghệ sỹ, các câu lạc bộ; chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ gia đình, cá nhân khó khăn…
Bên cạnh những tác động tích cực, tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế. Đáng quan tâm là công tác tuyên truyền chưa kịp thời, chưa đầy đủ về chính sách, chưa đến được đúng đối tượng thụ hưởng.
Về cách thức tổ chức triển khai thực hiện, có một số chính sách còn chậm; thậm chí, có chính sách sau 9 tháng có hiệu lực, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện, chưa có đối tượng thụ hưởng. Thực tiễn này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đặt ra vấn đề: Vậy có cần phải ban hành chính sách, bởi chính sách là nhằm giải quyết các vấn đề bức bách, bức xúc trong thực tiễn cuộc sống?! Đó còn là vấn đề chính sách còn manh mún, nhỏ lẻ; thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa tạo thuận lợi cho các đối tượng.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm rà soát các đối tượng thụ hưởng, nên việc đăng ký bố trí nguồn chưa sát, dẫn đến tình trạng, có chính sách đã bố trí kinh phí nhưng chưa thực hiện đúng tinh thần nghị quyết, một số chính sách chưa bố trí vốn kịp thời.
Cần thay đổi tư duy trong xây dựng chính sách
Tiếp thu các ý kiến mà các thành viên đoàn giám sát trao đổi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An khẳng định, sau cuộc làm việc này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tổng rà soát các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành, trên cơ sở đó nghiên cứu và tham mưu đề xuất HĐND tỉnh bãi bỏ, giãn hoặc bổ sung chính sách nhằm khắc phục các tồn tại đang đặt ra, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cũng nêu rõ quan điểm xây dựng chính sách, trước hết cần phải thay đổi tư duy làm chính sách, tránh cục bộ ngành, địa phương, tránh ngành nào cũng muốn có chính sách để thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành mình. Làm chính sách, bên cạnh giải quyết các vấn đề của cuộc sống thì phải bám các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra và chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương để xác định chính sách mang tính trọng tâm, động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Mặt khác, quá trình thực hiện chính sách cần bám sát khả năng đáp ứng nguồn lực và diễn biến dự toán ngân sách; gắn với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo, thanh – quyết toán phải đồng bộ, tránh lạm dụng chính sách. Đồng thời quan tâm kiểm tra, giám sát và sơ, tổng kết thực hiện chính sách, đảm bảo các chính sách thực hiện phát huy hiệu quả.
Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách
Đồng tình về quan điểm xây dựng chính sách và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành từ các nhiệm kỳ trước đang còn hiệu lực và các chính sách được ban hành trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 nhưng nằm ngoài phạm vi giám sát của HĐND tỉnh và 11 nghị quyết trong phạm vi giám sát.
Thông qua rà soát để nghiên cứu bãi bỏ những chính sách được HĐND tỉnh ban hành nhằm thực hiện các chính sách của Trung ương nhưng hiện đã hết hiệu lực. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khâu đăng ký, bố trí nguồn lực và thủ tục hành chính để triển khai các chính sách vào cuộc sống có hiệu quả.
Quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; ngoài trách nhiệm của UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh giao trách nhiệm đối với các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh cùng vào cuộc giám sát, gắn với vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc.
Mai Hoa