Tập trung hoàn thành 223 công trình, dự án
Báo cáo cho thấy nhiều nỗ lực, cố gắng, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, quyết liệt, chủ động của UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
Việc phân bổ vốn đầu tư công kịp thời; trong đó giao đầu kỳ là 19.768,244/20.914,71 tỷ đồng tổng kế hoạch vốn cả giai đoạn 2021 - 2025 và bổ sung trong kỳ là 1.184,39 tỷ đồng. Tổng vốn đã phân bổ là 20.796,59 tỷ đồng, đạt 99,44% tổng kế hoạch; chưa phân bổ là 118,12 tỷ đồng (nguồn ngân sách địa phương), chiếm 0,56% tổng kế hoạch.
Tỉnh cũng đã quan tâm bố trí vốn trả nợ công trình. Giai đoạn 2021 - 2025, vốn ngân sách tỉnh đã bố trí trả nợ cho 19 dự án với số vốn 74,427 tỷ đồng và đã bố trí đủ 100% số vốn này trong năm 2021 - 2022 để thanh toán nợ.
Trong 3 năm 2021 - 2023, đã kết thúc 223 dự án, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên nhiều lĩnh vực, gồm giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
7 tồn tại, hạn chế trong đầu tư công
Bên cạnh những “điểm sáng” tích cực, báo cáo cũng chỉ ra 7 tồn tại, hạn chế trong đầu tư công:
Việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để xây dựng kế hoạch đầu tư công chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch nhiều lần. Việc phân kỳ đầu tư một số công trình, dự án chưa phù hợp, thi công thiếu đồng bộ, kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành, một số công trình chưa hoàn thành giai đoạn đã bị xuống cấp, hư hỏng, chưa phát huy hiệu quả nguồn vốn đã bố trí.
Việc bố trí vốn đối ứng cấp huyện, xã để thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Một số nguồn vốn phân bổ chi tiết chậm so với thời gian quy định (phân bổ sau ngày 31/12 năm trước năm kế hoạch) như nguồn phân bổ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn bổ sung từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã được các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án nhiều lần làm mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Một số dự án chuyển tiếp, đầu tư từ giai đoạn trước nhưng vẫn chưa hoàn thành, bàn giao đi vào sử dụng và khai thác.
Việc tạm ứng, thu hồi tạm ứng đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tuy nhiên, đến thời điểm 31/8/2024, vẫn còn 88 dự án có số dư tạm ứng quá hạn, khó thu hồi với số tiền: 56.521.548.841 đồng (trong đó: tạm ứng đền bù, giải phóng mặt bằng là: 12.278.108.259 đồng). Một số chủ đầu tư chưa thu hồi được vốn tạm ứng quá hạn với giá trị vốn tạm ứng phải thu hồi lớn.
Kết quả giải ngân kế hoạch một số năm chưa đạt yêu cầu đề ra (năm 2021 chỉ đạt 88%, năm 2022 đạt 84,86%,…), đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài chỉ đạt từ 52% đến 60%. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Công tác lập hồ sơ, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành nhìn chung vẫn còn chậm so với quy định, nhất là các công trình, dự án do cấp xã, cấp huyện làm chủ đầu tư.
Kiến nghị, đề xuất thực hiện 7 nhóm nội dung
Từ tồn tại, hạn chế, đoàn giám sát HĐND tỉnh kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện 7 nhóm nội dung.
Trọng tâm là chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm đạt kết quả cao nhất. Phát huy vai trò, trách nhiệm (làm rõ trách nhiệm đối với những công trình thi công dở dang kéo dài) của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành để sớm hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; kịp thời đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước để bố trí kế hoạch vốn, đáp ứng nhu cầu vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Rà soát tổng thể các công trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang còn dở dang, kéo dài chưa hoàn thành, còn vướng mắc để phân loại, xem xét giải quyết, đề xuất chuyển tiếp đưa vào kế hoạch đầu tư công của giai đoạn tiếp theo.
Chỉ đạo các chủ đầu tư thường xuyên rà soát các bất cập, kịp thời hoàn chỉnh các thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án (về tiến độ thời gian, quy mô, nguồn vốn…) đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; kịp thời điều chuyển số vốn của các dự án có vướng mắc chưa giải ngân hoặc các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án khác có nhu cầu sử dụng vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát, lập đề xuất, thẩm định chủ trương đầu tư, đảm bảo chất lượng dự án, tránh điều chỉnh nhiều lần. Tăng cường chỉ đạo công tác lập hồ sơ, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Tiếp tục chỉ đạo rà soát các khoản tạm ứng còn tồn đọng kéo dài và có giải pháp thu hồi các khoản tạm ứng để hoàn trả ngân sách theo quy định.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất các công trình, dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển theo quy hoạch tỉnh, có tính lan tỏa cao, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; Thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư dự án của các cơ quan chủ quản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả dự án đầu tư công; kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án; chấn chỉnh các địa phương, cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư không chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các dự án có dấu hiệu lãng phí, chậm tiến độ.