Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng tham gia còn có đồng chí Thái Thị An Chung - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng đại diện các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và đại diện lãnh đạo, các phòng ban của UBND huyện Nghĩa Đàn.

Trước buổi làm việc, Đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra thực tế tại cụm trang trại số 2 của Công ty CP thực phẩm sữa TH và trạm xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech.

bna-kiem-tra-2009.jpg

Đoàn giám sát kiểm tra vị trí xây dựng trạm xử lý nước thải của cụm trang trại số 2 thuộc Công ty CP thực phẩm sữa TH. Ảnh: Tiến Đông

Tại Công ty CP thực phẩm sữa TH, đoàn đã trực tiếp kiểm tra việc xây dựng trạm xử lý nước thải của cụm trang trại số 2.

Công ty CP thực phẩm sữa TH có 3 cụm trang trại với quy mô chăn nuôi khoảng 60.000 con bò. Hiện tại ở cụm trang trại số 1 và số 3 đã xây dựng được hệ thống xử lý nước thải, riêng cụm trang trại số 2 đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 2.000m3/ngày đêm. Dự kiến vào cuối quý 3/2023 sẽ đưa vào chạy thử.

bna-trai-7948.jpg

Trạm xử lý nước thải của cụm trang trại số 2 dự kiến sẽ hoàn thành và chạy thử vào cuối quý 3 năm 2023. Ảnh: Tiến Đông

Đoàn giám sát cũng đã làm việc với trạm xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech. Tại đây, đoàn đã lắng nghe những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác xử lý rác thải, vấn đề nợ đọng tiền xử lý rác, việc chưa cấp đủ đất cho dự án theo quy hoạch dẫn đến việc mở rộng quy mô xử lý gặp khó khăn.

bna-lam-viec-voi-ttech-6049.jpg

Đoàn giám sát làm việc với trạm xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech. Ảnh: Tiến Đông

Sau buổi kiểm tra thực tế tại hiện trường, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND huyện Nghĩa Đàn. Tại buổi làm việc, UBND huyện Nghĩa Đàn cũng đã báo cáo việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn.

Hiện nay, các vấn đề chính về môi trường trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, đáng ngại nhất là tình trạng tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Bởi trong quá trình sản xuất, người dân sử dụng một lượng lớn phân bón hoá học, phân hữu cơ và các loại hoá chất bảo vệ thực vật. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Nghĩa Đàn đang có 21 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể, mỗi năm trên địa bàn huyện sử dụng khoảng 3,78 tấn thuốc trừ sâu và 5.370 tấn phân bón hoá học các loại để tăng năng suất và bảo vệ cây trồng.

Việc sử dụng và quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học phục vụ sản xuất nông nghiệp không đúng quy trình, tình trạng lạm dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn diễn ra phổ biến, đã làm biến đổi chất lượng nước dưới đất và môi trường xung quanh.

bna-buoi-lam-viec-4681.jpg

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Tiến Đông

Để xử lý vấn đề này, hiện nay UBND tỉnh phê duyệt thêm 5 điểm xử lý ô nhiễm môi trường tại Nghĩa Hồng, Nghĩa Phú và Nghĩa Lộc nhằm xử lý các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn huyện, hệ thống xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi của một số cơ sở chưa đảm bảo. Do ngân sách còn hạn hẹp, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện hiện nay chưa được đầu tư và vận hành.

Năm 2022, UBND huyện Nghĩa Đàn cũng đã xử phạt hơn 26 triệu đồng đối với 2 cơ sở chế biến tinh bột sắn và dong riềng của ông Phan Văn Dũng tại xã Nghĩa Đức và ông Nguyễn Hồng Phúc tại xã Nghĩa Khánh. Ngoài ra còn xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An số tiền 30 triệu đồng và buộc phải xây lắp công trình bảo vệ môi trường đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn 6 tháng. Xử lý vi phạm đối với 1 hộ kinh doanh chăn nuôi không có giấy phép môi trường với số tiền hơn 32 triệu đồng.

Hiện nay, tình hình xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn cũng đang trở thành vấn đề đáng quan tâm. Từ năm 2017 đến 2022 rác thải trên địa bàn huyện cơ bản được Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech thu gom, xử lý. Tuy nhiên, cho đến nay lượng rác thải được thu gom, xử lý vẫn còn khá nhiều, rác tồn từ các năm trước được tập kết trong khu vực sân, bãi không có mái che, nước rỉ không được thu gom, xử lý đúng quy trình.

bna-rac-1839.jpg

Rác thải ứ đọng tại trạm xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech. Ảnh: Tiến Đông

Sự cố môi trường tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn vẫn còn xảy ra: sự cố tràn phân tại Cụm trang trại số 2, 3 – Công ty CP thực phẩm sữa TH; sự cố bể đường ống nước thải sản xuất tại Xưởng chế biến tinh bột sắn Phan Văn Trạch (xã Nghĩa Đức).

Tại buổi làm việc, đại diện các ban, ngành cũng đã nêu một số ý kiến liên quan đến việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy; hoạt động xử lý môi trường của các trang trại, gia trại, rác thải sinh hoạt cũng như quản lý hệ thống nước mặt, nước ngầm tại địa phương. Đặc biệt là cần sớm giải quyết dứt điểm vấn đề ứ đọng rác thải sinh hoạt như hiện nay.

bna-anh-ha-3136.jpg

Ông Trần Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn trả lời một số ý kiến của Đoàn giám sát. Ảnh: Tiến Đông

Tại buổi làm việc, ông Trần Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cũng trả lời, tiếp thu những ý kiến của Đoàn giám sát. UBND huyện Nghĩa Đàn kiến nghị Đoàn giám sát có ý kiến để địa phương được bổ sung thêm nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho cấp huyện, cấp xã nhằm đảm bảo nguồn kinh phí cho cấp huyện vận hành nhà máy xử lý rác thải, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Nghĩa Long. Xem xét, tiếp tục triển khai xử lý các điểm còn lại và thực hiện bàn giao mặt bằng sạch đã xử lý tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật cho huyện Nghĩa Đàn quản lý.

Thường xuyên thành lập các Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các tổ chức cá nhân thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn huyện để kịp thời xử lý các sai phạm và chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động. Đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.

bna-a-dinh-8812.jpg

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc với UBND huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Tiến Đông

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND huyện Nghĩa Đàn tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến vấn đề môi trường. Đoàn giám sát cũng tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của huyện để tiếp tục làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, đồng thời hoàn thiện báo cáo trước khi trình kết quả làm việc của đoàn giám sát trước HĐND tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND huyện Nghĩa Đàn tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường, phải xem đây là việc làm thường xuyên; xử lý những tồn tại vướng mắc, liên quan đến nguồn nước, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực sản xuất, khu chăn nuôi...

Tiến Đông