Ngày 1/10, Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh do đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc giám sát về công tác xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa – thể thao tại huyện Thanh Chương.

bna_hdnd-tinh-giam-sat-thiet-che-van-hoa-the-thao-tai-huyen-quy-hop_3.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với UBND huyện Thanh Chương. Ảnh: Minh Quân

Làm việc với đoàn giám sát có đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện, đại diện lãnh đạo một số ngành và địa phương của huyện.

30/38 xã, thị trấn và 182/234 xóm, khối, bản có thiết chế văn hóa – thể thao đạt chuẩn

Trước khi làm việc với huyện, đoàn thực hiện giám sát tại xã Thanh Tiên - xã miền núi thuộc khu vực II của huyện Thanh Chương có 7 xóm, 1.737 hộ với hơn 7.000 nhân khẩu.

bna_hdnd-tinh-giam-sat-thiet-che-van-hoa-the-thao-tai-huyen-quy-hop.jpg
Đoàn công tác của HĐND tỉnh tham quan khu vực lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời tại Nhà văn hóa xóm Gia Hội, xã Thanh Tiên. Ảnh: Minh Quân

Theo báo cáo của đại diện UBND xã, hiện 7/7 xóm đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa nông thôn mới theo quy định của Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 07/6/2022 của UBND tỉnh, trong đó 3/7 xóm đã tiến hành xây mới nhà văn hóa từ nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp cùng các nguồn vận động hợp pháp khác và đưa vào sử dụng có hiệu quả.

Trong khuôn viên nhà văn hóa các xóm đều có sân thể thao, khu vực có dụng cụ thể thao phục vụ vui chơi giải trí ngoài trời dành cho người già và trẻ em từ nguồn kinh phí xã hội hóa và nhân dân đóng góp.

Hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn, tạo ra các tụ điểm văn hoá, sân chơi lành mạnh cho các thế hệ, phù hợp với mọi lứa tuổi, góp phần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.

bna_hdnd-tinh-giam-sat-thiet-che-van-hoa-the-thao-tai-huyen-quy-hop_1.jpg
Nhà Văn hóa xóm Giăng - 1 trong 3 nhà văn hóa vừa được xây mới trên địa bàn xã Thanh Tiên. Ảnh: Minh Quân

Tuy vậy, lãnh đạo xã cũng bày tỏ trăn trở về việc chưa có cơ chế để giải quyết các thiết chế dôi dư sau sáp nhập xóm như nhà văn hóa xóm, đất và tài sản trên đất; nhà văn hóa đa chức năng còn thiếu, chưa có nhà thi đấu cho các môn bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn…

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, những năm qua, công tác đầu tư xây dựng, khai thác hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao trên địa bàn huyện được quan tâm. Vì vậy, thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực, đáp ứng nhu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

bna_hdnd-tinh-giam-sat-thiet-che-van-hoa-the-thao-tai-huyen-quy-hop_5.jpg
Đồng chí Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Minh Quân

Đến nay, trên địa bàn huyện có 30/38 xã, thị trấn và 182/234 xóm, khối, bản có thiết chế văn hoá – thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đối với việc xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn ở các xã, thôn xóm sau khi sáp nhập đơn vị chính cấp, giai đoạn từ 2021-2024, 18 xã, thị trấn nâng cấp chỉnh trang nhà văn hoá và sân vận động xã, bổ sung một số phòng chức năng để đạt các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; có 29 nhà văn hoá và 30 khu thể thao thôn, xóm, khối được xây mới; 171 nhà văn hoá và 166 khu thể thao thôn, xóm, khối được nâng cấp, cải tạo khang trang.

Tuy vậy, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, sau sáp nhập đơn vị hành chính xã, xóm, trên địa bàn Thanh Chương xảy ra tình trạng các nhà văn hóa vừa thừa vừa thiếu (thừa số lượng nhà, thiếu nhà văn hóa đạt chuẩn). Việc sử dụng nhà văn hóa hiện có gặp khó khăn do hầu hết vị trí các nhà văn hóa hiện có không nằm ở khu vực trung tâm xóm.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao theo Nghị quyết 30/2020/NQ-HĐND và chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi theo Nghị quyết 09/2023/NQ-HĐND chưa đủ mạnh để tạo ra bước đột phá trong xây dựng cơ sở vật chất cho các xã, thôn, xóm bản. Việc triển khai các công trình theo NQ30/2020/NQ-HĐND còn chậm.

Mặt khác, nhiều xã, thị trấn chưa khai thác hết giá trị của thiết chế thể thao xã, nhất là sân vận động xã. Việc liên doanh, viên kết với các tổ chức, cá nhân để phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã không thể triển khai thực hiện được do vướng quy định hiện hành về quản lý tài sản công.

Cần cơ chế, chính sách đột phá trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao

Từ những hạn chế trong công tác xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa – thể thao trên địa bàn, huyện Thanh Chương đề nghị HĐND tỉnh cần ban hành Nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với cơ chế chính sách đủ mạnh để tạo bước đột phá trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Đề nghị UBND tỉnh cần phân cấp mạnh hơn cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết; trao quyền chủ động cho cơ sở trong việc lập dự án, thẩm định và phê duyệt dự án.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo UBND huyện, các ngành, đơn vị, địa phương của huyện Thanh Chương, thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đánh giá cao sự quan tâm đối với công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao của cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương. So với nhiều huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, Thanh Chương là địa phương thực hiện rất tốt công tác này, đặc biệt là việc huy động sức dân để xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao.

bna_hdnd-tinh-giam-sat-thiet-che-van-hoa-the-thao-tai-huyen-quy-hop_4.jpg
Đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Minh Quân

Đồng chí Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị huyện Thanh Chương tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng và khai thác các thiết chế văn hóa – thể thao; quan tâm nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa – thể thao xứng tầm, đồng thời có phương án xử lý hiệu quả các thiết chế dôi dư tại các xã, xóm sau sáp nhập; chỉ đạo cơ sở nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng thiết chế hiện có; quan tâm rà soát, cân đối nguồn lực đảm bảo mức chi cho lĩnh vực Văn hóa – Thể thao.

Cùng với đó, các cấp, ngành của huyện cần rà soát lại các văn bản quy định, nhất là rà soát lại các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao để có kiến nghị, đề xuất phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Minh Quân