Ngày 28/4, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh đã có các cuộc giám sát tại các đơn vị: Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam -Hàn Quốc và Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An.
Dự cuộc giám sát có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hiện có 13 ngành nghề đào tạo với 3 trình độ: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Nhà trường được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện nay của trường.
Trong những năm qua nhà trường đã đào tạo được đội ngũ nhân lực cao cung cấp cho thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Tham gia nâng năng suất lao động cho người lao động tại các nhà máy Nghệ An nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Đồng thời là cầu nối thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh.
Hàng năm nhà trường tổ chức ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh, tìm địa điểm cho sinh viên thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. Trung bình 80% học sinh sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Trong số gần 6.000 học sinh sinh viên tốt nghiệp trong 5 năm qua số lượng học sinh sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm thu nhập ổn định khoảng 92%.
Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An hiện có 3 cơ sở đào tạo (2 cơ sở ở thị xã Cửa Lò và 1 cơ sở ở thành phố Vinh). Hiện nay nhà trường có 18 ngành nghề đào tạo với 3 cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.
Quy mô tuyển sinh hàng năm từ 1.185 người. Trong gần 7.400 học sinh sinh viên ra trường trong 5 năm qua, trung bình trên 90% có việc làm.
Xác định công tác tuyển sinh là khâu quan trọng trong hoạt động của nhà trường, Đảng ủy, Hội đồng trường luôn quan tâm lãnh đạo chỉ đạo công tác này. Bên cạnh đó, hàng năm nhà trường phối hợp phối hợp với các trường THCS trên địa bàn thành phố Vinh, Nghi Lộc, Cửa Lò và các vùng lân cận tổ chức tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về công tác đào tạo trình độ trung cấp và kết hợp học văn hóa, các chế độ chính sách.
CHÍNH SÁCH CHO CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ
Làm việc với Đoàn Giám sát, các trường phản ánh khó khăn trong công tác đào tạo, đó là kết quả tuyển sinh chưa đạt mục tiêu đề ra; lượng giảng viên một số ngành còn thiếu, khó tuyển dụng; trang thiết bị đào tạo một số ngành nghề công nghệ chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ; việc hợp tác với một số doanh nghiệp còn khó khăn,…
Để đáp ứng quy mô đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, các trường đề xuất Trung ương cần hoạch định chiến lược và quy hoạch mạng lưới công tác đào tạo nghề một cách linh hoạt có hiệu quả.
Cần ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật việc làm; xây dựng và ban hành quy chế khung về sử dụng lao động.
Đối với HĐND tỉnh, kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo nghề hàng năm cần điều chỉnh cho phù hợp với giá cả thị trường. Việc thực hiện tinh giản biên chế cần linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền lĩnh vực đào tạo nghề, giới thiệu việc làm sau đào tạo cần phải đa dạng, sâu rộng có tính lan tỏa đến học sinh, phụ huynh.
Tại các cuộc làm việc với các đơn vị, Đoàn Giám sát đánh giá cao trong những năm qua, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An là 2 trường trong 45 trường trọng điểm Quốc gia về đào tạo nghề đã đào tạo đội ngũ nhân lực cao cung cấp cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm của các nhà trường đã góp phần phát triển kinh tế - an sinh xã hội, tạo việc làm cho con em.
Bên cạnh đó, các nhà trường phối hợp tốt với các doanh nghiệp cả trong quá trình đào tạo và giải quyết việc làm ngay sau đào tạo.
Chia sẻ khó khăn trong công tác đào tạo nghề của các Trường, Đoàn Giám sát đề nghị nhà trường cần quan tâm đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh sinh viên; tăng cường kết nối nhà trường đối với địa phương và doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề; có chính sách thu hút giáo viên có tay nghề cao, các nghệ nhân.
Tăng cường kết nối cơ sở đào tạo nghề tại các huyện, thành, thị nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Các nhà trường nắm bắt xu thế của thị trường lao động, chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động./.