Theo báo cáo của xã Quỳnh Văn, hiện trên địa bàn có 2 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác gồm mỏ đá thuộc Công ty Cổ phần Trường Thịnh với diện tích trên 19,7 ha và mỏ đá thuộc Công ty CPXD Văn Sơn với diện tích trên 10 ha. Xác định được tầm quan trọng của việc quản lý nhà nước về khoáng sản có vai trò quan trọng, thời gian qua UBND xã Quỳnh Văn đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trong đội ngũ cán bộ quản lý, đến doanh nghiệp và người dân; gắn với kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm về khai thác khoáng sản; công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong khai thác và hoạt động chế biến khoáng sản. Qua đó, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn ngày càng hiệu quả và hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn cũng hạn chế dần những tác động tiêu cực.
Tuy nhiên, xã Quỳnh Văn cũng thẳng thắn nêu lên một số khó khăn trong quản lý khoáng sản như: các khu vực khoáng sản thường tập trung ở các vùng núi cao nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn; hoạt động khai thác khoáng sản phải dùng đến vật liệu nổ nên việc ảnh hưởng về môi trường, tiếng ồn đến các hộ dân vùng lân cận không thể tránh khỏi; vẫn còn tình trạng khai thác ngoài khu vực được cấp phép và khai thác vượt công suất, trữ lượng được cấp phép.
Thông qua việc khảo sát trực tiếp tại 2 điểm mỏ và báo cáo của UBND xã Quỳnh Văn các thành viên đoàn giám sát HĐND huyện đã nêu nhiều băn khoăn, đề xuất huyện cần tiếp tục quan tâm, vào cuộc thường xuyên và quyết liệt hơn để vấn đề quản lý nhà nước về khoáng sản ngày càng có hiệu quả và tuân thủ pháp luật.
Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Hồ Sỹ Nguyệt, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu đã đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, đồng thời chỉ ra hoạt động khoáng sản trên địa bàn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó khăn, đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm. Trong đó, xã Quỳnh Văn cần quan tâm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản; đặc biệt chú trọng khắc phục các tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản ảnh hưởng sinh hoạt của người dân như về tiếng ồn, ô nhiễm bụi, ô nhiễm nước sinh hoạt và nhà ở của dân. Tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với các cấp, các ngành trong quản lý cũng như xử lý các vi phạm, khắc phục các sự cố có thể xảy ra; duy trì chế độ báo cáo về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản hàng tháng, hàng quý về UBND huyện để kịp thời vào cuộc xử lý các tình huống và vi phạm vượt trên thẩm quyền của UBND xã./.