Lãnh đạo huyện Nghi Lộc kiểm tra việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại cơ sở

Ở xóm 2, xã Nghi Công Bắc có một cụm dân cư gồm 24 hộ dân dù sử dụng điện chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu nhất, nhưng tiền điện hàng tháng của mỗi gia đình lên đến 500 - 700 nghìn đồng, thậm chí là tiền triệu.   Nguyên nhân là hàng chục năm nay, 24 hộ dân này đang dùng chung một công tơ điện và giá điện được tính theo bậc thang, khiến cho người dân phải chịu giá điện cao. Vấn đề này đã được Thường trực HĐND huyện Nghi Lộc đưa vào nội dung phiên giải trình và đến đầu năm 2024, 24 hộ dân tại xóm 2, xã Nghi Công Bắc đã được chi nhánh Điện lực Nghi Lộc đầu tư hạ tầng lưới điện và tiến hành bán điện tận hộ. Ông Đậu Văn Châu, 1 trong 24 hộ dân phấn khởi cho biết: “Mấy tháng nay, tiền điện sinh hoạt của người dân phải trả đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn 200 – 300 nghìn đồng/tháng/hộ nữa”. Tương tự, 23 hộ dân tại xóm 10, xã Nghi Lâm, sau hàng chục năm dùng điện “giá cao” do dùng chung 1 công tơ tổng, thì tháng 7/2024 vừa qua cũng đã được Điện lực Nghi Lộc đầu tư hạ tầng lưới điện, bán điện tận hộ, góp phần giảm giá điện từ 300% so với giá quy định  thì nay đã về đúng giá.

Ngoài giải quyết, đưa điện bán tận hộ tại hai cụm dân cư thuộc xã Nghi Công Bắc và Nghi Lâm, đồng chí Lê Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghi Lộc cho biết: Thông qua phiên giải trình của Thường trực HĐND huyện liên quan đến hạ tầng lưới điện, chất lượng điện sinh hoạt ở một số khu dân cư yếu kém, kể cả một số bất cập liên quan đến giá điện vào giữa năm 2021; phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã phối hợp cùng Chi nhánh Điện lực huyện Nghi Lộc khảo sát thực trạng; đồng thời tham mưu UBND huyện làm việc với Công ty Điện lực Nghệ An xây dựng kế hoạch, lộ trình và tiến hành lắp đặt thêm trạm biến áp, thay thế hệ thống cột điện, đường dây điện xuống cấp, góp phần giải quyết cơ bản những nơi ách yếu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng và an toàn cho người sử dụng điện trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, ngành Điện lực đã đầu tư xây dựng mới 13 trạm biến áp mới; dựng mới 131 cột điện trung thế và thay thế 708 cột điện hạ thế xuống cấp; đầu tư, nâng cấp gần 110 km đường dây trung và hạ thế…

HĐND huyện Nghi Lộc khảo sát việc triển khai thực hiện phong trào

Theo thông tin từ HĐND huyện Nghi Lộc, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức lựa chọn nhiều nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân để tổ chức phiên họp giải trình. Như giải trình về thực trạng và giải pháp nâng cấp các hệ thống hồ, đập, kênh mương tưới tiêu, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp; về chất lượng giống và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; về chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động diện thu hồi đất, lao động từ ngoài tỉnh trở về sau đại dịch Covid-19; về tình trạng tai nạn giao thông trên một số tuyến đường, nhất là tuyến đường N5 (nay là Quốc lộ 7C), đoạn qua địa bàn huyện và công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện; về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân…

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn tạị, hạn chế trong công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước ở các cấp, nhất là cấp cơ sở cũng được Thường trực HĐND huyện ưu tiên lựa chọn tổ chức phiên giải trình nhằm làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm, đặc biệt đề ra các giải pháp giải quyết các tồn tại. Cụ thể, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức giải trình về công tác quản lý ngân sách, quyết toán thu – chi, nợ xây dựng cơ bản ở cơ sở; tiến độ xây dựng một số công trình, dự án do HĐND huyện quyết định chủ trương đầu tư; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân đầu tư công. Giải trình về tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện; công tác quản lý các di tích lịch sử văn hoá; tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch; chất lượng xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá và xây dựng nhà văn hoá ở các khối – xóm sáp nhập…

Thường trực HĐND huyện Nghi Lộc tìm hiểu hiệu quả chính sách hỗ trọ phát triẻn nông nghiệp công nghệ cao tại xã Khánh Hợp

Đồng chí Lê Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghi Lộc cho biết: Từ việc lựa chọn nội dung giải trình là những vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm, bức xúc và cả hệ thống chính trị mong muốn giải quyết, tháo gỡ; gắn với cách thức, phương pháp giải trình, trước khi tổ chức phiên giải trình, Thường trực HĐND huyện tiến hành khảo sát, giám sát thực tiễn cơ sở để nắm rõ bản chất vấn đề, để khi tiến hành giải trình có những đánh giá, làm sâu sắc hơn thực trạng, gợi mở các giải pháp, đặc biệt là đưa ra những kết luận xác đáng, tạo cơ sở để các cơ quan chức năng thực hiện cụ thể và hiệu quả. Mặt khác, Thường trực HĐND huyện cũng có cơ chế giám sát thường xuyên việc thực hiện các kết luận phiên giải trình của các đơn vị và định kỳ yêu cầu các đơn vị có báo cáo kết quả thực hiện các nội dung được kết luận của phiên giải trình. Nhờ vậy, các nội dung đưa ra giải trình đều tạo được chuyển biến tích cực sau giải trình. Như sau giải trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; phòng Tài nguyên - Môi trường cùng với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhất là cấp giấy thuộc diện tồn đọng với số lượng được giải quyết cao của tỉnh và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đã đạt gần 33%, hiện đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết đại trà ở các địa phương.

Giải trình là một hình thức giám sát quan trọng và trực tiếp của Thường trực HĐND các cấp. Từ hiệu quả hoạt động giải trình thời gian qua, HĐND huyện Nghi Lộc đang tiếp tục đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động phiên giải trình trong thời gian tới.