Từ kết quả đạt được nêu trên, Thường trực HĐND huyện Hương Khê rút ra một số kinh nghiệm trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cụ thể như sau:
Toàn cảnh kỳ họp thứ 3 HĐND huyện Hương Khê nhiệm kỳ 2016 - 2021 |
Chuẩn bị nội dung |
Trước các kỳ họp, để lựa chọn nội dung chất vấn, Thường trực HĐND huyện họp thống nhất và quyết định giao các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND lựa chọn nội dung qua các kênh như: Hoạt động giám sát, khảo sát; qua ý kiến, kiến nghị cử tri tại các kỳ tiếp xúc cử tri, các cuộc thảo luận tổ đại biểu với các đơn vị bầu cử, các cuộc tiếp công dân; ý kiến của Ủy ban MTTQ huyện; các cơ quan truyền thông; thông tin tại các văn bản điều hành; thông tin chính thức trong các báo cáo công tác; các câu hỏi chất vấn gửi trước kỳ họp của các đại biểu HĐND; từ đó mỗi đại biểu tổng hợp, lựa chọn nội dung, đề xuất của Thường trực HĐND huyện. Sau khi có văn bản đề xuất nội dung, Thường trực HĐND huyện mời Ban Thường trực Ủy ban MTTQ; lãnh đạo các Ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có nội dung đề nghị chất vấn hội ý, phân tích, đánh giá tác động của hoạt động chất vấn.
Chuẩn bị phiên chất vấn
Để phiên chất vấn đạt hiệu quả, Thường trực HĐND có văn bản gửi các đơn vị về các nội dung sẽ chất vấn tại kỳ họp để các đơn vị chuẩn bị nội dung, phân công trả lời. Sau khi thống nhất nội dung chất vấn, Thường trực HĐND huyện yêu cầu các Ban, tổ đại biểu HĐND huyện nghiên cứu, khảo sát các nội dung liên quan để thực hiện chất vấn đảm bảo chất lượng.
Tiến hành họp Tổ trưởng các tổ đại biểu trước phiên chất vấn để quán triệt và giao trách nhiệm cho các đại biểu trong hoạt động chất vấn.
Phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện để xây dựng các phóng sự truyền hình nêu rõ hơn thực trạng về những vấn đề sẽ được chất vấn. Phiên chất vấn được truyền thanh trực tiếp trên hệ thống truyền thanh các địa phương và các trang mạng xã hội để người dân theo dõi, giám sát.
Thực hiện hoạt động chất vấn
Việc chất vấn và trả lời chất vấn
Người được phân công trả lời nội dung chuẩn bị không quá 15 phút, trả lời câu hỏi bổ sung không quá 05 phút; đại biểu chất vấn, tranh luận thêm cần đi thẳng vào vấn đề, thời gian mỗi lần chất vấn, tranh luận thêm không quá 03 phút, có thể chất vấn, tranh luận thêm nhiều lần để truy vấn, làm rõ đến cùng nội dung chất vấn.
Việc trả lời chất vấn phải đúng trọng tâm, cụ thể, thẳng thắn, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm; đồng thời, cần nêu rõ các giải pháp, lộ trình thực hiện trong thời gian tới để đại biểu HĐND huyện, cử tri huyện nhà có điều kiện theo dõi giám sát. Những vấn đề cần làm rõ hơn, đại diện lãnh đạo UBND huyện có thể phát biểu, tranh luận làm rõ.
Điều hành phiên chất vấn
Để điều hành phiên chất vấn đạt hiệu quả mong muốn, mỗi kỳ họp chủ tạo đều cố gắng phát huy được tinh thần dân chủ, trong đó luôn chú trọng các giải pháp để mỗi đại biểu đều thấy mình là người được làm chủ - làm chủ tình hình, làm chủ phiên họp. Tạo điều kiện cho những đại biểu mới, ít phát biểu, các đại biểu đại diện cho các vùng miền... được thể hiện, được đóng góp.
Bảo đảm chương trình: cần sắp xếp thời gian sao cho phù hợp để hoàn thành việc chất vấn theo chương trình được thông qua, nhưng phải rất linh hoạt: có những vấn đề cần dành thời gian để làm sáng tỏ, để đi sâu làm rõ trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp, không dàn trải và cũng không để “cháy giáo án”.
Phân bổ thời gian hợp lý: Chủ tọa cần điều hành số lượng từng đợt các câu hỏi của đại biểu đặt ra và thời gian chuẩn bị của người trả lời sao cho hợp lý và không làm tẻ nhạt không khí tại nghị trường.
Chủ tọa tham gia ý kiến: Trong quá trình điều hành chất vấn chủ tọa nên tham gia ý kiến, nhưng ý kiến đó phải rất ngắn, không chiếm nhiều thời gian và phải rất khách quan để làm sâu sắc thêm vấn đề đặt ra. Tránh lạm dụng, quy chụp. Vấn đề đặt ra là sự hợp lý, cần thiết và thuyết phục. Bất cứ vấn đề nào, lúc nào, chủ tọa đều có thể tham gia. Đây là quá trình điều hành vừa phát huy dân chủ, vừa kiểm soát được nội dung, bảo đảm tính định hướng, tính khả thi của những vấn đề đặt ra. Nếu người điều hành chỉ là người giới thiệu chương trình, giới thiệu người chất vấn theo trình tự giơ tay, đăng ký... dễ làm cho không khí trở nên tẻ nhạt.
Có cao trào, đi đến cùng vấn đề: vấn đề ở đây là làm rõ thực trạng, trách nhiệm và tìm được hướng giải quyết vấn đề. Cần chỉ rõ yếu kém với thái độ xây dựng, cùng tìm giải pháp, cùng có trách nhiệm giải quyết vấn đề. Nếu trưởng các phòng, ngành, đơn vị hữu quan không trả lời được những vấn đề vượt khả năng, trách nhiệm của họ thì yêu cầu lãnh đạo UBND phụ trách trả lời; nếu trả lời vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu, cần mời Chủ tịch UBND huyện trả lời. Để làm được điều này thì người điều hành phải linh hoạt và xử lý vấn đề hết sức mềm mại, vì mục đích của phiên họp chất vấn không phải là nơi đấu đá để có kẻ thắng, người thua, mà là nơi làm rõ địa chỉ của yếu kém, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, nhưng không phải đẩy người trả lời chất vấn vào chân tường (đây là phiên họp đang được truyền hình, phát thanh trực tiếp).
Cần có khai mạc và kết luận cho phiên chất vấn: khai mạc: đặt vấn đề, các yêu cầu đối với người trả lời chất vấn, người chất vấn. Kết luận phiên chất vấn: để đánh giá kết quả phiên chất vấn, nêu những điều cần lưu ý, những kiến nghị, kể cả những vấn đề cần rút kinh nghiệm về văn hóa nghị trường, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần xây dựng đối với những vấn đề chung và hình ảnh đại biểu HĐND.
Tiếp tục giám sát những vấn đề đã được chất vấn
Đại biểu HĐND cần báo cáo với cử tri kết quả các vấn đề đã được chất vấn để cử tri cùng giám sát. Tiếp tục theo dõi việc tổ chức thực hiện, đôn đốc UBND, các ngành việc thực hiện các giải pháp đã nêu. Nếu cần thiết lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát của HĐND...
Trong kỳ họp HĐND yêu cầu UBND, các ngành báo cáo việc thực hiện các giải pháp về vấn đề chất vấn tại kỳ họp trước.
Hiệu quả của hoạt động giám sát, chất vấn của HĐND chính là sự phối hợp, tổng hợp, không chỉ của Thường trực, các ban, các đại biểu HĐND mà là sự đồng thuận của hệ thống chính trị và sự tham gia của cử tri và người dân.
Ngoài việc trả lời tại kỳ họp, người được chất vấn còn phải trả lời bằng văn bản để đại biểu HĐND huyện thông tin lại cho cử tri tại các kỳ tiếp xúc cử tri. Người trả lời chất vấn phải nghiêm túc giữ đúng lời hứa của mình, phải tập trung giải quyết tốt những nội dung được chất vấn đúng yêu cầu và thời gian đã hứa. Kết thúc kỳ họp, Thường trực HĐND huyện cần ban hành kết luận tại phiên chất vấn làm cơ sở pháp lý quan trọng để đại biểu HĐND huyện theo dõi giám sát việc thực hiện lời hứa sau chất vấn của các cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan.
Nguyễn Kim Tú - PCT HĐND huyện Hương Khê Nguồn: Trang TTĐT Đại biểu nhân dân Hà Tĩnh