Nhiều cách làm hay

Với chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, năm 2022 thành phố Hà Nội xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Chính vì thế, đã có những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của thành phố thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 của thành phố đạt 87,11% (tăng 3 bậc so với năm 2020).

1.jpg
Mô hình "5 thủ tục hành chính không chờ" - người dân được lấy kết quả ngay. Nguồn: ITN

Tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là 1.895 thủ tục hành chính (trong đó khối sở và cơ quan tương đương sở: 1.522 thủ tục hành chính, cấp huyện là: 263 thủ tục hành chính và cấp xã: 110 thủ tục hành chính). Đến nay, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thành phố đã ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp và Thuế trên địa bàn. Đồng thời, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ của các cơ quan hành chính thuộc thành phố. Tính đến ngày 30.5.2022, các cơ quan hành chính đã phê duyệt 3.431 quy trình nội bộ, trong đó: 568 quy trình giải quyết công việc cấp sở; 1.666 quy trình giải quyết công việc cấp huyện; 1.055 quy trình giải quyết công việc cấp xã; 142 quy trình liên thông giải quyết công việc nội bộ.

Đáng chú ý, một số cơ quan, đơn vị có sáng kiến, giải pháp và cách làm hay trong công tác cải cách hành chính. Điển hình như: Sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các kỳ họp của HĐND; thí điểm thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính “Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quận (quận Cầu Giấy); sáng kiến về nhận diện khuôn mặt trong xếp hàng lấy số thứ tự giải quyết thủ tục hành chính (quận Hà Đông)...

Đặc biệt, sau 2 tháng thí điểm, mô hình 5 thủ tục hành chính không chờ bao gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản; chứng thực chữ ký trong các loại giấy tờ, văn bản; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử; cấp bản sao trích lục hộ tịch đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo đó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan chỉ mất 10-15 phút, hạn chế tình trạng nhận hồ sơ buổi sáng, buổi chiều trả kết quả. Giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục dần dần tâm lý chờ đợi kết quả hành chính.

Tăng cường kiểm tra công vụ

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của thành phố đã kiểm tra trực tiếp tại UBND các quận: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hoàng Mai, đồng thời kiểm tra từ 1 - 2 phường thuộc các quận nêu trên. Đoàn kiểm tra kiểm soát thủ tục hành chính của thành phố đã kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại 10 quận, huyện và 20 đơn vị cấp xã trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị rất quan tâm tới công tác cải cách hành chính.

Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, công tác cải cách hành chính ở Hà Nội vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Trong đó, nổi lên sự phối hợp trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính liên thông cùng cấp, theo ngành dọc còn chưa thực sự hiệu quả. Điều này ảnh hưởng tới thời gian trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, lao động, thương binh, xã hội; còn hồ sơ hành chính giải quyết bị chậm, muộn. Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo cải cách hành chính và chậm triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính thành phố giao…

Để đạt được các mục tiêu đề ra như: Chỉ số PAR INDEX trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; chỉ số SIPAS đạt tối thiểu 86%; trên 99% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn, trước hạn; 100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về văn hóa giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết công việc… Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX; tăng cường kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính gắn với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, từ hiệu ứng tích cực của các sáng kiến, Hà Nội cần tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình, giảm tải áp lực cho chính người thi hành công vụ (in giấy hẹn, giải thích nhiều lần...), cũng như người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Phương Hiền Nguồn: BNA