Sáng 25/5, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, GS.TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Đoàn Nghệ An nhấn mạnh, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ giáo viên quyết định rất lớn đến chất lượng giáo dục.

bna_z3440160478400_ed49b342164b76d89136ed0942619a764116419_2552022.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phan Hậu

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, GS.TS Thái Văn Thành bày tỏ trăn trở về tương lai của đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng. Theo đại biểu Đoàn Nghệ An, từ 2013 có Thông tư liên tịch giữa các bộ Giáo dục & Đào tạo, Nội vụ, Tài chính cho phép hợp đồng giáo viên mầm non theo chỉ tiêu ngân sách Chính phủ giao.

Cùng với đó, khi thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2017 - 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2018/NĐ-CP, trong đó giao và cấp ngân sách cho địa phương để chi trả cho giáo viên mầm non hợp đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2021, Nghị định 06/2018 hết hiệu lực song Chính phủ chưa có văn bản chỉ đạo phương án xử lý. Trong khi theo GS. TS Thái Văn Thành, có những giáo viên mầm non hợp đồng đã công tác 5 năm, 6 năm, thậm chí là 10 năm, do đó mong Chính phủ sớm có sự chỉ đạo, hướng dẫn.

bna_z3440393869456_0aac8b9da4f3fc8e33ba7153257d7ab71643301_2552022.jpg
Ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phan Hậu

Mang đến tâm tư của ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, tại phiên thảo luận tổ, ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An cho biết: Theo quy định chính sách về tín dụng đóng tàu mới tại Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản thì chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay, không bắt buộc phải bổ sung tài sản thế chấp khác.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri các địa phương vùng biển của Nghệ An cho biết quá trình thực hiện, ngân hàng đều yêu cầu chủ tàu bổ sung tài sản thế chấp là nhà và đất. Hiện nay, do nhiều tác động, hoạt động khai thác hải sản khó khăn, nhiều chủ tàu gặp khó khăn trả nợ ngân hàng, thậm chí có nhiều ngư dân có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh không có nhà ở

Đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn này cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, nhất là giải chấp các tài sản thế chấp là nhà đất hoặc các tài sản không phải tàu cá đối với khoản vay đóng mới tàu cá.

Cũng liên quan đến nội dung thực hiện Nghị định 67, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An nhấn mạnh đây là chủ trương đúng đắn; tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn giữa các bên liên quan. Tỷ lệ nợ xấu cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 trong cả nước lên đến 67,2%.

bna_z3440773562069_635a043bee0c768ae5de261a6e29c1058199856_2552022.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phan Hậu

Cùng với đó, Công ty bảo hiểm được chỉ định bán cho tàu đóng theo Nghị định 67 cũng đã dừng bán từ năm 2020 và chậm bồi thường rủi ro. Đặc biệt, về phía ngư dân, nhiều người đang đứng trước nguy cơ hầu tòa, mất tài sản, thậm chí mất nhà ở vì nợ nần, thế chấp bìa đất…

Trên cơ sở đó, nữ đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị lựa chọn và chỉ định các đơn vị đủ năng lực để bán bảo hiểm tàu cá; cho phép giãn nợ, tính toán cơ cấu lại nợ phù hợp, tránh việc thu hồi nợ “quá nóng” dẫn đến không khả thi; mở rộng điều kiện rủi ro; đặc biệt cần có các giải pháp thực hiện hiệu quả việc vay vốn đúng đối tượng, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.