Ba thách thức
Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành ngày 23.11.2009 đến nay đã qua 13 năm thực thi. Trong quá trình thực hiện, Luật đã góp phần xây dựng và củng cố hệ thống khám chữa bệnh ở Việt Nam, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần tăng cường khả năng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng đã bộc lộ một số bất cập về thời hạn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, phương thức cấp chứng chỉ hành nghề, về hình thức tổ chức hành nghề khám chữa bệnh, về khám chữa bệnh từ xa, về an ninh bệnh viện... Do vậy, theo các chuyên gia, việc sửa đổi, ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là vô cùng cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh; bảo đảm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng cao cho cộng đồng, thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hội nhập quốc tế về lĩnh vực khám chữa bệnh và tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Theo TS.BS. Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng, ngoài những thách thức mang tính toàn cầu cho công tác y tế mà mọi nước đều phải quan tâm giải quyết, công tác khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam còn phải đương đầu với 3 thách thức đặc thù. Trước hết là ngăn chặn tình trạng y tế công rơi sâu vào nguy cơ thương mại hóa và tự đánh mất chính mình. Thứ hai, chấn chỉnh thị trường chăm sóc sức khỏe ra khỏi tình trạng lệch lạc, y tế công chìm sâu trong “công - tư lẫn lộn”, thiếu vắng chủ thể y tế ngoài nhà nước, nhân đạo, phi vụ lợi, cản trở sự cạnh tranh công bằng tạo bởi cơ chế thị trường giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ y tế (là cơ sở gia tăng chất lượng dịch vụ và giá dịch vụ hợp lý). Thứ ba, thúc đẩy công tác giám sát, phản biện độc lập chính sách y tế nói chung và chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế nói riêng, để bảo đảm chất lượng dịch vụ chăm sóc, lấy người bệnh, người dân làm trung tâm trong một nền y tế đa thành phần và toàn cầu hóa.
Trong những năm qua, ba thách thức này từng được coi là “tử huyệt” của hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam và trực tiếp gắn với công tác khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần tính tới việc làm giảm bớt sự trầm trọng của ba thách thức này, ông Trần Tuấn nói.
Quy định cụ thể về phân cấp hệ thống khám bệnh, chữa bệnh
TS.BS Khương Anh Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho rằng, trong dự thảo Luật, việc quy định về phân cấp hệ thống khám bệnh, chữa bệnh theo 3 cấp, tuyến chuyên môn là phù hợp với định hướng của Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng như phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm quốc tế. Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện đang phân cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành 4 tuyến, trong đó tuyến huyện và xã được coi là tuyến y tế cơ sở với chức năng cốt lõi là cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và cơ bản. Cách phân cấp này cũng khá tương đồng với quốc tế. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất và cần được quan tâm luật hóa, đó là Việt Nam đang thiếu các quy định trong việc kiểm soát vượt tuyến, chuyển tuyến bất hợp lý cùng với việc phân hạng bệnh viện được áp dụng chung cho tất cả các tuyến. Bệnh viện tuyến dưới hiện nay được phép cung ứng các dịch vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ và phạm vi của tuyến trên nhưng không có cơ chế để hạn chế bệnh nhân vượt tuyến không cần thiết. Do đó, ông Khương Anh Tuấn đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể, có tính nguyên tắc của chuyển tuyến, chuyển cấp khám chữa bệnh cũng như phạm vi thu dung khám chữa bệnh của từng cấp. Nếu không kèm theo các quy định này, thì việc phân cấp khám chữa bệnh đơn thuần sẽ không còn ý nghĩa và không có cơ sở kiểm soát hiệu quả của toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh.
Cũng góp ý kiến về việc phân cấp hệ thống khám chữa bệnh, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Đệ chỉ rõ, khoản 1, Điều 83 của dự thảo Luật quy định, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân, được chia thành ba cấp. Cấp ban đầu bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cấp cơ bản bao gồm các cơ sở thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú tổng quát. Và cấp chuyên sâu bao gồm các cơ sở thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú chuyên sâu... Đánh giá đây là điểm mới của dự thảo Luật, song theo GS.TS Nguyễn Văn Đệ, sau khi phân cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh như dự thảo Luật đề ra, thì việc quy định phân hạng bệnh viện còn tiếp tục được áp dụng hay không và quy định như thế nào? Có cần được bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi lần này hay không? Ngoài ra, trước khi quyết định nội dung này, cần có sự đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) để làm rõ việc quy định hưởng bảo hiểm y tế ở từng tuyến.
Liên quan đến nội dung người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo tại Điều 22 trong dự thảo Luật, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, TS.BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh, đề xuất này chưa phù hợp. Bởi, nếu quy định như dự thảo Luật sẽ không thu hút được các bác sĩ nước ngoài có trình độ cao đến làm việc, hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam, nhất là đối với một số lĩnh vực khám chữa bệnh mà nước ta còn yếu, cần tranh thủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn của các chuyên gia nước ngoài. Ngoài ra, cũng cần làm rõ thẩm quyền, cũng như cách thức, tiêu chí xác định người nước ngoài có khả năng sử dụng tiếng Việt thành thạo.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS. Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh: đây là dự án Luật khó và có tính chuyên môn sâu. Dự thảo Luật lần này đã có nhiều thay đổi và khắc phục được những hạn chế, bất cập của dự thảo lần trước. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số nội dung như: quy định về cấp giấy phép hành nghề trong khám chữa bệnh; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; giá dịch vụ khám chữa bệnh... Về phía Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp và xây dựng báo cáo một cách toàn diện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm thông tin khi cho ý kiến đối với dự thảo Luật tại phiên họp thứ Mười trước khi trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Ba tới.
Minh Trang