Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS Nguyễn Văn Hiển chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có: nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, TS. Bùi Sỹ Lợi; nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang; cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện hiệp hội bệnh viện tư nhân...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được ban hành ngày 23.11.2009, đến nay đã được 13 năm. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định so với yêu cầu phát triển của đất nước. Đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng, yêu cầu khám, chữa bệnh đã có những thay đổi lớn. Do đó, việc trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh là rất cấp thiết. Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong quá trình thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tại tọa đàm, các đại biểu nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong điều kiện hiện nay là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân. Các ý kiến cũng tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề như: nâng cao kỹ năng hành nghề, quản lý hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề và sử dụng ngôn ngữ của người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần xây dựng cơ chế kiểm soát giá tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Trong quá trình đào tạo chuyên môn, cấp chứng chỉ hành nghề, cần quy định có sự tham gia của các hội chuyên môn nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế. Hiện nay có rất nhiều loại hình dịch vụ vận chuyển cấp cứu đang hoạt động, vì vậy cần quy định cụ thể điều kiện hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ vận chuyển cấp cứu. Đồng thời, cần quy định rõ hơn quyền lợi của nhân viên y tế bị thương tích, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Tin và ảnh: Minh Trang