Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Nhiều kinh nghiệm quý cần bổ sung vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Tôi rất ấn tượng trước kết quả làm việc của Đoàn giám sát trong suốt thời gian qua. Đây là chuyên đề rất phức tạp, rất khó và có phạm vi rất rộng, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với sự đổi mới trong cách làm, Đoàn giám sát đã xây dựng báo cáo kết quả giám sát với đánh giá sâu sắc về những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và xác định trách nhiệm của các bên liên quan.
Đặc biệt, những đổi mới trong triển khai hoạt động giám sát đã mang lại hiệu quả rõ nét như: việc Lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao trong từng bước triển khai hoạt động giám sát; cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch, đề cương giám sát, lựa chọn những vấn đề nóng, nổi cộm để tập trung giám sát chuyên sâu tại địa phương, đơn vị; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp dự các cuộc họp, cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự phân công cụ thể, rõ ràng tới Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và từng thành viên Đoàn giám sát, huy động sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn sâu về quy hoạch và chuyên môn sâu về từng lĩnh vực ví dụ như đất đai, tài nguyên… và sự tích cực, trách nhiệm của các Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND ở địa phương trong triển khai giám sát của Quốc hội. Đây là những kinh nghiệm rất quý cần được xem xét bổ sung vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quy chế tổ chức hoạt động giám sát nhằm phát huy trong thời gian tới.
Sau giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề này, tôi mong muốn sớm tháo gỡ được vướng mắc lớn nhất vừa qua là tình trạng “con gà, quả trứng”, quy hoạch này chờ quy hoạch kia, dẫn đến tất cả đều chậm trễ. Tôi nhất trí với nội dung trong dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát công tác quy hoạch trong đó cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được thực hiện ngay các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch; tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc hết sức tích cực, với trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Phải khẩn trương hoàn thành các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành, quốc gia sớm nhất có thể bởi nếu chậm trễ ngày nào, nhất là với quy hoạch tỉnh thì sẽ là điểm nghẽn rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Cũng có ý kiến nói rằng nên dành ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia làm cơ sở cho việc hoàn thiện các quy hoạch cấp dưới. Nói như vậy nhưng làm như thế nào, khi nào làm lại là một câu chuyện khác. Báo cáo kết quả giám sát cũng đã chỉ ra vấn đề này. Cá nhân tôi cho rằng, nếu cứ chờ quy hoạch tổng thể quốc gia mới làm các quy hoạch khác thì sẽ rất lâu, do đó, cần tiến hành đồng thời việc lập các quy hoạch. Tất nhiên, khi xây dựng quy hoạch tỉnh thì cần căn cứ vào các điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng, nhà nước để nếu sau này nếu như có phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp trên thì mức độ điều chỉnh cũng nhỏ, không phải là thay đổi lớn, ví dụ, khu vực này tỉnh đang quy hoạch để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng sau này lại bảo không, quy hoạch tổng thể quốc gia quy hoạch khu vực này là khu đô thị, khu công nghiệp… thì rất khó cho các nhà đầu tư. Bản chất của quy hoạch là dài hạn, phải trả lời được câu hỏi làm cái gì, làm ở đâu. Còn khi có quy hoạch, ta tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện thì phải trả lời thêm câu hỏi bao giờ làm và nguồn lực nào để làm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu: Giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm để thúc đẩy sự phát triển của đất nước
Ảnh: Quang Khánh
Qua theo dõi quá trình thực hiện và nghiên cứu các tài liệu của báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, tôi nhận thấy, việc triển khai thực hiện chuyên đề giám sát này có rất nhiều điểm đổi mới, tác động tích cực đến hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung.
Trước hết là việc lựa chọn vấn đề giám sát. Luật Quy hoạch và một loạt các văn bản luật có liên quan được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung kể từ năm 2017 đến nay được xem là một sự thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước từ Trung ương cho đến địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc triển khai công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế. Quá trình thảo luận, thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật tại Kỳ họp bất thường vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận xét điểm mấu chốt trong việc xử lý một số bất cập hiện nay trong công tác quản lý đất đai, nhà ở… là từ công tác quy hoạch. Vì vậy, việc Quốc hội lựa chọn vấn đề này để tiến hành giám sát chuyên đề dù thời gian thực hiện Luật Quy hoạch chưa dài đã cho thấy tinh thần vào cuộc ngay, giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thứ hai là, những đổi mới trong cách tổ chức giám sát. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Đoàn giám sát đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, đã tổ chức nhiều cuộc làm việc theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, phối hợp giữa khảo sát trực tiếp với xem xét các báo cáo, tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Đặc biệt, trong quá trình tiến hành giám sát, Lãnh đạo Quốc hội đã có cuộc làm việc với Lãnh đạo Chính phủ để đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện quy hoạch trong thời gian vừa qua và các giải pháp trong thời gian tới. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành 1 ngày làm việc để thảo luận, phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Thứ ba là, kết quả của hoạt động giám sát hết sức công phu, bài bản. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã nhận xét tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25.4.2022 thì đây là một trong những hoạt động giám sát có khối lượng tài liệu đồ sộ nhất từ trước đến nay, kết hợp giữa báo cáo bằng hình ảnh với báo cáo bằng văn bản. Trong đó, các báo cáo đã chỉ ra rất cụ thể những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và nhất là đề ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác quy hoạch trong thời gian tới.
Với cách làm đó, chúng tôi nhận thấy các tầng lớp cử tri, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và đặc biệt là các nhà quản lý, lãnh đạo ở địa phương rất mong chờ phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội về nội dung này. Trong đó, mong mỏi lớn nhất là qua kết quả của hoạt động giám sát lần này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát, trong đó có đề ra những quy định cụ thể để tháo gỡ một số vướng mắc hiện nay trong công tác quy hoạch. Trên cơ sở đó, về lâu dài, sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các văn bản có liên quan để phát huy mạnh mẽ hơn nữa công cụ này trong công tác quản lý nhà nước, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An: Nhóm giải pháp cần làm ngay sẽ giúp “gỡ” vòng luẩn quẩn của quy hoạch
Ảnh: Quang Khánh
Đây là chuyên đề giám sát rất đặc biệt của Quốc hội, chúng tôi hay gọi là “giám sát đồng hành”, tức là nếu Quốc hội không tiến hành chuyên đề giám sát tối cao này thì nhiều “nút thắt” trong thực hiện công tác quy hoạch sẽ không tháo gỡ được. Có lẽ đây là lần đầu tiên Quốc hội triển khai một chuyên đề giám sát vừa khó, vừa phức tạp về chuyên môn lại vừa mang tính chất đồng hành, cấp thiết nhằm tháo gỡ ngay vướng mắc cho các cơ quan tổ chức thực thi công tác quy hoạch trong điều kiện thời gian triển khai giám sát cũng không có nhiều. Với yêu cầu đổi mới của Quốc hội, tinh thần trách nhiệm và làm việc hết sức công phu của Đoàn giám sát dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự chủ trì trực tiếp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, mặc dù không trực tiếp tham gia Đoàn giám sát nhưng tiếp cận tài liệu giám sát và báo cáo kết quả giám sát, đại biểu Quốc hội chúng tôi đều thấy rất yên tâm.
Chúng ta phải thẳng thắn nói với nhau là công tác quy hoạch theo yêu cầu của Luật Quy hoạch mới chưa được triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ, chưa đạt yêu cầu. Quy hoạch mang tính chất “bà đỡ” cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội nhưng đến nay, chúng ta chưa tạo ra được một đường ray, một hệ thống nền tảng theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến điều hành vĩ mô và các hoạt động kinh tế - xã hội. Báo cáo của Đoàn giám sát đã đánh giá, phân tích rất kỹ lưỡng nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những tồn tại, vướng mắc trong công tác quy hoạch vừa qua. Tôi đồng tình với nhận định của Đoàn giám sát, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu và điều quan trọng nhất bây giờ là phải khắc phục được ngay những hạn chế, vướng mắc để hoàn thành sớm nhất, chất lượng nhất các quy hoạch.
Tôi đánh giá rất cao kiến nghị của Đoàn giám sát về các giải pháp cần làm ngay với hai nhóm: Một là, những việc Quốc hội cần cho phép Chính phủ làm để khắc phục ngay những vướng mắc, chồng chéo trong nội tại của Luật Quy hoạch và hệ thống pháp luật, những nội dung mà Luật Quy hoạch đã quy định, đã có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ của cơ quan chức năng nhưng việc thực hiện vẫn “dậm chân tại chỗ” như: vấn đề tích hợp quy hoạch, áp dụng chỉ định thầu trong lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch, việc lập đồng thời các quy hoạch và xử lý các vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh các quy hoạch, rút gọn quy trình thẩm định, cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho việc lập các quy hoạch cấp quốc gia và xử lý các nội dung chuyển tiếp theo quy định tại điểm C Khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch… Đây là nhóm kiến nghị hết sức quan trọng, tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung phân tích kỹ lưỡng xem còn có nội dung nào thật sự cấp bách, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng đang vướng trong hệ thống pháp luật mà có thể cho phép Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương được áp dụng khác với quy định hiện nay hay không. Nếu không gỡ được vấn đề này, trong điều kiện chưa sửa đổi luật được ngay thì công tác quy hoạch sẽ vẫn còn luẩn quẩn.
Hai là, những việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải xử lý ngay. Đây là việc Chính phủ phải chủ động, các bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ phải bắt tay vào làm ngay, những quy hoạch nào đã lập rồi mà chưa phê duyệt thì phải đẩy nhanh tiến độ phê duyệt. Chính phủ phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa.
Với nhóm kiến nghị về lâu dài, tôi nhất trí cần tổng kết, đánh giá tổng thể Luật Quy hoạch và các luật có liên quan để sửa đổi bổ sung một cách đồng bộ, thống nhất. Đoàn giám sát đã chỉ rất rõ các quy định bất cập trong nội tại Luật Quy hoạch và bất cập giữa Luật Quy hoạch với các luật khác. Chắc chắn Quốc hội phải đưa vào chương trình để sửa đổi Luật Quy hoạch và các luật có liên quan.
Một vấn đề nữa Đoàn giám sát đã chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhưng tôi cho rằng, có lẽ cần chỉ rõ hơn nữa trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương trong việc chậm triển khai quy hoạch, ví dụ Quy hoạch điện VIII đến nay vẫn chưa phê duyệt thì trách nhiệm của bộ, ngành chủ trì thế nào. Chúng ta cũng cần tránh tâm lý “đổ thừa” mọi tồn tại, vướng mắc cho Luật Quy hoạch. Đúng là Luật Quy hoạch có vướng nhưng rõ ràng, trong công tác triển khai thực hiện chúng ta cũng chưa chủ động, chưa quyết liệt. Đây là vấn đề phải kiểm điểm rất rõ.
Lam Anh thực hiện