Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 2/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh |
Sáng 2/6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, trao đổi lại ý kiến một số đại biểu phát biểu về vấn đề sách giáo khoa, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành - Đoàn Nghệ An, đánh giá: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Các đại biểu dự phiên thảo luận sáng 2/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh |
Theo người đứng đầu ngành Giáo dục Nghệ An, Chương trình đã hướng vào mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh và hình thành, phát triển các kỹ năng như tin học, ngoại ngữ; đặc biệt tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giá trị sống và khơi dậy khát vọng cống hiến xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc.
“Có thể nói bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Giáo sư Thái Văn Thành nhận định về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Vị đại biểu Đoàn Nghệ An bày tỏ đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá, theo hướng đảm bảo quyền lợi học sinh và điều kiện kinh tế hiện nay của người dân.
Đại biểu cũng đồng tình với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trong nhân dân để phụ huynh học sinh hiểu là có 2 loại sách giáo khoa.
Thứ nhất là sách giáo khoa bắt buộc cần phải mua để học. Thứ hai là sách hỗ trợ, tham khảo, không bắt buộc phải mua mà tùy vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh.
Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành - đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu. Ảnh: Quang Khánh |
Trên diễn đàn Quốc hội, từ thực tiễn địa phương, cụ thể là ngành Giáo dục ở Nghệ An, Giáo sư Thái Văn Thành nói: Tỉnh có 21 huyện, thành, thị, trong đó 11 huyện miền núi, đặc biệt là có 6 huyện miền núi cao rất khó khăn.
Xuất phát từ thực tế trên, ngành Giáo dục tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa với công thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, tỉnh dành một phần kinh phí trang bị sách giáo khoa cho các nhà trường ở khu vực trên; đồng thời kêu gọi, huy động các doanh nghiệp, các nhà xuất bản tặng sách giáo khoa cho các nhà trường và kêu gọi các em học sinh khóa trước học xong tặng lại sách giáo khoa.
“Việc làm này có ý nghĩa là giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cháu ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học; sách lại được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nói, qua đó kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng mô hình này trong các địa phương trong cả nước để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 1/6, nhiều Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã giải trình ý kiến các đại biểu các nội dung liên quan đến ngành.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến các đại biểu các nội dung liên quan đến ngành vào chiều 1/6. Ảnh: Quang Khánh |
Trong đó, đối với giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông quy định "thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa".
Theo đó, việc biên soạn sách giáo khoa thực hiện theo hướng xã hội hóa, các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.
Với mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý, Bộ đã tăng cường chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, yêu cầu các nhà xuất bản thực hiện xuất bản sách sao cho sách có thể dùng lại nhiều lần. Các bộ sách xuất bản mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này.
Bên cạnh đó, cấu trúc, nội dung sách giáo khoa đã được quy định phải phù hợp với tiêu chuẩn sách giáo khoa về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách, các hội đồng thẩm định đã yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài, lạm dụng hình ảnh.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo, ban hành thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về sách giáo khoa để điều tiết việc này một cách cụ thể, hiệu quả hơn.
Bộ cũng đã nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục cần tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, bán hàng, các chi phí khác để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất.
Bộ cũng chỉ đạo nhà xuất bản thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc các đối tượng, các vùng khó khăn và đã chỉ đạo nhà xuất bản cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận ngay từ khi phát hành.
Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ là Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được Nhà nước định giá và có chính sách trợ giá./.
Thành Duy - Phan Hậu