Thực hiện quyết liệt
Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch, đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2020 – 2022, các cơ quan hành chính của Sở đã giảm mạnh các tổ chức bên trong (Giảm các phòng, ban và tương đương), cụ thể: Giảm 53/127 phòng, ban và tương đương, tỷ lệ giảm 41,7% (trong đó Chi cục Chăn nuôi và Thú y giảm 21 trạm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh giảm 21 trạm, Chi cục Phát triển nông thôn giảm 6 ban, Chi cục Kiểm lâm giảm 4 hạt kiểm lâm).
Đồng thời, chuyển 69 trạm trực thuộc Sở về UBND các huyện, thành phố, thị xã để thành lập 21 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.
Dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Thanh Lê
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Giai đoạn từ 2020 – 2022: Giảm 3/26 đơn vị sự nghiệp, tỷ lệ 11,53% (1 đơn vị do sáp nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và 2 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng).
Các tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp giảm 28/94 phòng và tương đương, tỷ lệ giảm 29,78% (Trung tâm Khuyến nông giảm 21 trạm, Trung tâm Giống cây trồng giảm 1 phòng, Trung tâm Khuyến nông giảm 1 phòng, Trung tâm Giống chăn nuôi giảm 1 phòng và 1 trạm, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn giảm 1 phòng).
Đồng chí Phạm Thành Chung - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát trao đổi về mục tiêu của đoàn giám sát. Ảnh: Thanh Lê
Bên cạnh đó, đã có 4 đơn vị sự nghiệp tự chủ về chi thường xuyên: 3 Ban Quản lý dự án (Dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự án Bản Mồng, Dự án Nông nghiệp và PTNT) và 1 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Về cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan hành chính của Sở đã giảm 1 phó giám đốc sở, giảm 1 trưởng phòng sở, giảm 9 phó trưởng phòng sở, giảm 3 chi cục trưởng, 5 phó chi cục trưởng, giảm 59 trưởng phòng, giảm 23 phó trưởng phòng chi cục. Các đơn vị sự nghiệp: Giảm 3 trưởng ban, giảm 1 phó giám đốc, giảm 28 trưởng phòng và tương đương, giảm 13 phó trưởng phòng.
Về tinh giản biên chế, giai đoạn: 2015 – 2022, toàn Sở đã giảm 61 biên chế, từ 612 người (năm 2015) xuống còn 551 người (năm 2021).
Đồng chí Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành. Ảnh: Thanh Lê
Còn nhiều bất cập, vướng mắc
Tuy nhiên, việc thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy của ngành gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng và các quy định của pháp luật còn chồng chéo, thiếu thống nhất. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa bổ sung, chỉnh sửa kịp thời các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy nên trong quá trình thực hiện việc vận dụng còn bị động, lúng túng, có lúc thiếu cơ sở pháp lý.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Sơn – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Việc hợp nhất các trạm cấp huyện (Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, Khuyến nông, Ban Phát triển nông thôn miền núi) thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp có nhiều khó khăn, do đây là một mô hình mới và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của các cơ quan Trung ương.
“Bên cạnh đó, sau khi hợp nhất, chức năng quản lý Nhà nước của các lĩnh vực này được chuyển về cho UBND huyện quản lý nên việc nắm bắt thông tin, cập nhật dữ liệu, xử lý và chỉ đạo có nhiều bất cập. Tại cấp tỉnh chỉ còn Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và BVTV có nhân lực mỏng, trong khi địa bàn hoạt động rộng, đa dạng cây trồng, vật nuôi nên rất khó khăn trong việc điều tra, phát hiện và xử lý dịch bệnh”- ông Nguyễn Quốc Sơn cho biết thêm.
Do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; trong quá trình quản lý, chỉ đạo, có nhiều vấn đề liên quan đến đến sản xuất nông nghiệp, vì vậy, rất nhiều đơn vị thiếu nhân lực để triển khai thực thi nhiệm vụ khi tinh giản biên chế.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê
Phát biểu tại cuộc làm việc đồng chí Nguyễn Nam Đình đánh giá cao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị có nhiều đơn vị sự nghiệp trực thuộc, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nhưng đã thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định của Trung ương, của tỉnh.
Nhấn mạnh về chủ trương về sắp xếp lại tổ chức bộ máy và hợp đồng lao động là chủ trương đúng và phát huy hiệu quả. Vì vậy, ngành cần chủ động, linh hoạt, lưu ý tham khảo cách làm hay của tỉnh khác để triển khai sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc một cách hiệu quả.
Các thành viên tham gia đoàn giám sát. Ảnh: Thanh Lê
Ngành cần tham mưu các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở đó xây dựng lại đề án vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; lựa chọn vấn đề trọng tâm cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức
“Khối lượng công việc ngày càng lớn, trong khi con người thì giảm, vì vậy, ngành cần tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi số để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tăng cường mối quan hệ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng chân trên địa bàn tỉnh”- đồng chí Nguyễn Nam Đình đề nghị.
Liên quan đến các đề xuất của Sở, đoàn giám sát sẽ tổng hợp kiến nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền./.
Thanh Lê