Có sự chuyển biến ngay từ khi công bố chuyên đề giám sát

Kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát cho thấy, ngoài báo cáo của Chính phủ, các Bộ đã gửi đúng tiến độ, thì báo cáo của các địa phương gửi đến Đoàn giám sát vẫn còn chậm. Đáng lưu ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, một số báo cáo (Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường) còn thiếu nội dung, không đúng theo yêu cầu đề cương. Quyết tâm của Đoàn giám sát là phải làm “đến nơi, đến chốn”, quy rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

20220228061412khong-i.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” tại Phiên họp thứ Tám Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Kinh tế với vai trò là cơ quan thường trực của Đoàn giám sát đã tổng hợp được rất nhiều thông tin hữu ích từ các địa phương, bộ, ngành, Chính phủ. Qua đó cho thấy, việc Quốc hội chọn nội dung giám sát này là rất đúng đắn, phù hợp. Đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, ngay từ khi được Quốc hội quyết định lựa chọn, chuyên đề giám sát này đã có những tác động tích cực, có chuyển biến. Cụ thể, ngày 25.7.2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, trong đó chọn "việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội thì tiến độ quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn, nhất là quy hoạch cấp tỉnh.

Nhấn mạnh hai nội dung cốt lõi, có ý nghĩa quyết định trong công tác quy hoạch là tiến độ và chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, “tính đến nay, tiến độ đã chậm hơn hai năm, vừa rồi đặt vấn đề giám sát, tiến độ có nhanh hơn, nhưng chất lượng như thế nào, Đoàn giám sát cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng. Không vì đẩy nhanh tiến độ quy hoạch mà giảm chú ý đến chất lượng quy hoạch bởi nếu chất lượng không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, thậm chí là kìm hãm sự phát triển”.

Tại Báo cáo kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiến độ quy hoạch bị chậm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, có những nguyên nhân do quy định của pháp luật như quy định kinh phí cho công tác quy hoạch phải sử dụng nguồn đầu tư công, không được nhận từ doanh nghiệp. Vướng mắc này khiến doanh nghiệp muốn tài trợ kinh phí phải ký hợp đồng “tay ba”. Tỉnh chỉ được phép nhận sản phẩm, chứ không được nhận kinh phí. Vậy luật tháo gỡ được không? Hay, trong Luật Đấu thầu, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ không được phép tham gia đấu thầu, chỉ có doanh nghiệp mới được tham gia. Theo đó, người ở ngoài làm, người hiểu biết lại không được làm, có phải vướng mắc không? Một số ý kiến chỉ ra còn có vướng mắc trong Luật Đầu tư công… Nhưng, Chính phủ mới đây đã họp và đề nghị tháng 3 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh việc sửa một số luật để gỡ vướng cho công tác quy hoạch. Nếu Kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội thông qua, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sau đó thông qua luật trong một kỳ họp, thì cũng phải đến 2023 mới có hiệu lực, tức là hết hiệu lực thông qua các quy hoạch. Vậy cách khắc phục như thế nào? - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt câu hỏi.

Hay có sự vướng mắc trong quy định của Chính phủ, của các bộ, ngành, vậy thì vướng mắc ở đâu, Chính phủ với các bộ phải chỉ rõ để kịp thời sửa đổi. Và từng bộ, ngành phải liệt kê ra vướng mắc ở điều luật nào, nghị định, thông tư nào, kiến nghị sửa đổi như thế nào? Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Bộ Tư pháp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát xem các bộ, địa phương kiến nghị đã đúng chưa; nếu đúng thì cần sửa văn bản quy phạm pháp luật nào?

Điều chỉnh quy hoạch đã đúng hay chưa?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, trong quá trình giám sát cần chú ý đến một nội dung được đề cập trong Luật Quy hoạch đó là, việc triển khai các quy hoạch hiện có đã được lập trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, bảo đảm công tác quy hoạch được vận hành bình thường, có tính kết nối với quy hoạch mới, vì các hoạt động kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Cụ thể, Đoàn giám sát cần làm rõ có bao nhiêu quy hoạch treo, hay công tác công khai quy hoạch được thực hiện như thế nào.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, việc điều chỉnh quy hoạch mà báo chí đã phản ánh, có một số địa phương điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu chức năng, điều chỉnh nâng tầng, thêm căn hộ với số lượng lớn, tăng diện tích sàn xây dựng, giảm diện tích cây xanh... đã đúng chưa. Đây là những vấn đề dư luận rất quan tâm, các bộ, ngành, địa phương đã quản lý như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nêu thực tế, lập và phê duyệt quy hoạch là việc khó, nhiều địa phương phải thuê các nhà tư vấn nước ngoài với chi phí lớn, nhưng điều chỉnh quy hoạch rất dễ dàng, vì một mục tiêu khác. Do vậy, Đoàn giám sát cần quan tâm đến tiêu chí điều chỉnh quy hoạch đã bám sát, thực hiện đúng quy định hay chưa.

Với sự quyết liệt, nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, công tâm của các thành viên Đoàn giám sát, tin rằng, những câu hỏi đặt ra sẽ được Đoàn giám sát làm rõ trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành và thực tiễn giám sát tại các địa phương tới đây.

Anh Thảo