Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành gồm: Công an tỉnh, Cục Hải quan, Cục Thuế, Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam và các huyện Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc tham dự buổi làm việc.
Vẫn còn tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản
Thời gian qua, HĐND tỉnh triển khai Kế hoạch số 190/KH-ĐGS ngày 05/9/2022 giám sát “Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, Kế hoạch số 195/KH-ĐGS ngày 12/9/2022 giám sát “Về việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021”.
Toàn cảnh buổi làm việc của hai Đoàn Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh với UBND tỉnh. Ảnh: Nhật Lân
Hai Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã khảo sát thực tế một số doanh nghiệp công trình, dự án; làm việc trực tiếp với UBND các huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Đô Lương, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Thanh Chương và Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh; thực hiện giám sát qua báo cáo đối với UBND thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, các huyện: Hưng Nguyên, Diễn Châu, Tân Kỳ, Nam Đàn, Nghi Lộc.
Thay mặt hai Đoàn Giám sát chuyên đề, đồng chí Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày dự thảo báo cáo về kết quả hoạt động giám sát. Trong đó, tập trung thông tin về những tồn tại, hạn chế để các đại biểu dự buổi làm việc tập trung thảo luận, mổ xẻ làm rõ thêm.
Đồng chí Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày dự thảo kết quả giám sát chuyên đề. Ảnh: Nhật Lân
Về kết quả đạt được trong quản lý nhà nước về khoáng sản, kết quả giám sát cho thấy các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được UBND tỉnh, các sở, ngành và chính quyền các huyện tích cực tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức. Hoạt động khoáng sản được quản lý và thực hiện theo quy hoạch phê duyệt; công tác cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính có liên quan được thực hiện đúng quy trình, tạo điều kiện cho tổ chức tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản. Các doanh nghiệp khoáng sản cơ bản thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định, các khoản thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản tăng theo từng năm, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh cũng đã có chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp từng bước cải tiến công nghệ, dây chuyền trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp triển khai áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến nhằm tận thu hết khoáng sản, tạo ra được khoáng sản đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, thân thiện với môi trường. Các ngành, địa phương đã thực hiện và cử cán bộ phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chấp hành pháp luật khoáng sản trên địa bàn tỉnh...
Tuy nhiên, quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác quy hoạch khoáng sản nói chung, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như chưa có sự tính toán, dự báo nhu cầu nguyên liệu khoáng sản. Một số điểm mỏ được quy hoạch cấp phép còn gần với khu dân cư, đường giao thông; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra tại một số địa phương; các hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, kết cấu hạ tầng xuống cấp, mất an toàn giao thông,...
Quy trình thực hiện cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật về khoáng sản còn nhiều thủ tục. Vẫn còn tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản. Nhiều doanh nghiệp còn nợ đọng thuế gốc nên dẫn đến số tiền chậm nộp ngày càng cao. Việc tính thuế hiện nay vẫn dựa theo sản lượng doanh nghiệp tự kê khai, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Có một số mỏ đã được cấp phép nhưng có nhiều vướng mắc chưa giao được đất để khai thác, do đó không thể triển khai hoạt động, trong khi hàng năm vẫn phải thông báo số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đến ngày 31/8/2022 số nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trên 50,5 tỷ đồng).
Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chế độ chính sách; chưa đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc, người lao động vẫn phải làm việc trong điều kiện có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại; trong đó, có một số mỏ khai thác sai thiết kế dẫn đến mất an toàn cho môi trường làm việc; Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản còn chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; việc xử lý các vi phạm pháp luật có nội dung còn chưa nghiêm…
Việc thực hiện thu hồi đất ở dự án chậm tiến độ Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân là một kết quả trong hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh. Trong ảnh: Toàn cảnh dự án Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân. Ảnh: Thành Cường
Đối với việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021, theo Đoàn Giám sát cơ bản kịp thời, đúng quy định. Quy trình rà soát, tổng hợp danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản đã được tuân thủ quy định; chủ trương thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các công trình, dự án đảm bảo đúng quy định và tiêu chí đã đề ra. Qua đó khẳng định Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đã tạo điều kiện cho các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng triển khai thực hiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên.
Tuy nhiên, Đoàn Giám sát nhận thấy, kết quả thực hiện danh mục công trình, dự án, diện tích thu hồi, chuyển mục đích tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2021, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất chỉ đạt tỷ lệ 42,25 % về số lượng công trình thực hiện và đạt tỷ lệ 31% về diện tích thực hiện; kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chuyển mục đích sử dụng đất chỉ đạt tỷ lệ 38,3% về số lượng công trình thực hiện, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đạt tỷ lệ 36,36%; đất rừng phòng hộ đạt tỷ lệ 55,5%...
Số dự án chưa thực hiện, không có khả năng thực hiện, bị hủy bỏ hoặc chuyển tiếp còn nhiều. Khảo sát của Đoàn Giám sát thực tế tại một số địa phương: Nghi Lộc, Yên Thành, Đô Lương cho thấy hầu hết các lô đất sau đấu giá vẫn chưa được xây dựng, còn bỏ trống, gây lãng phí đất đai; hạ tầng các khu đất quy hoạch chia lô đấu giá chưa đồng bộ.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, chủ yếu thực hiện lồng ghép với các nội dung thanh tra khác về quản lý đất đai, thực hiện theo vụ việc hoặc khi có sự phản ánh và đơn thư, báo chí nêu. Vẫn còn tình trạng nhiều dự án không triển khai được do nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính (đối với các dự án ngoài ngân sách), chưa bố trí được vốn để thực hiện (đối với các dự án vốn ngân sách nhà nước) hoặc vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Lân
Đánh giá chính xác, sát đúng những tồn tại, hạn chế đang diễn ra trong thực tiễn
Lắng nghe dự thảo hai Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, các đại biểu tham dự buổi làm việc đều cơ bản đồng tình. Đồng thời, đã có thêm nhiều những ý kiến trao đổi, giải trình để làm rõ hơn về các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế; có đề xuất điều chỉnh thông tin báo cáo giám sát chuyên đề và bổ sung các giải pháp giải quyết, xử lý.
Đặc biệt, các đại biểu dự họp quan tâm mổ xẻ những bất cập từ Luật Khoáng sản năm 2010, dẫn đến có những khó khăn trong thực tiễn của tỉnh. Các đại biểu đến từ huyện Nghi Lộc, Quỳ Hợp… đã thông tin sâu về những bất cập, khó khăn trong quản lý nhà nước ở địa phương cơ sở; kiến nghị HĐND tỉnh các vấn đề chính sách, nhất là việc xem xét thực hiện phân cấp nguồn thu lĩnh vực khoáng sản cho địa phương theo quy định của Luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Lân
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng có ý kiến giải trình một số nội dung hai Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh đã trình bày. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ cho rằng công tác quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản và thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh dù đã đạt được những kết quả cụ thể; nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Và những tồn tại, hạn chế đều cơ bản đã được hai Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh chỉ ra. “UBND tỉnh tiếp thu các nội dung hai Đoàn Giám sát chuyên đề HĐND tỉnh đã nêu…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh.
Tiếp sau phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã có thêm 5 ý kiến từ đại diện lãnh đạo các Ban chuyên trách của HĐND tỉnh, thành viên của hai Đoàn Giám sát chuyên đề. Trong đó, đáng quan tâm là các ý kiến đề nghị phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn, biện pháp giải quyết sự cố sụt lún ở xã Châu Hồng,…; bất cập ở dự án Xi măng Đô Lương mở rộng; và ý kiến góp ý về giải pháp kiểm soát những tồn tại, bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh trăn trở về vấn đề sụt lún ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân
Các ý kiến từ đại diện lãnh đạo các Ban chuyên trách đều được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chỉ đạo lãnh đạo các Sở và huyện liên quan giải trình. Như với sự cố sụt lún ở xã Châu Hồng, theo báo cáo của ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho đến nay doanh nghiệp đã khắc phục hậu quả đối với nhân dân, đồng thời, cũng chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh, dừng hẳn việc khai thác. Riêng về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún thì vẫn cần thêm thời gian để cơ quan khoa học phân tích, làm rõ và trả lời.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đánh giá cao công tác phối hợp của UBND tỉnh, các Sở, ngành, đơn vị và các huyện có liên quan trong thời gian hai Đoàn Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, ghi nhận những ý kiến giải trình của các thành viên dự buổi làm việc. Gom lại những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản và thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Nam Đình tiếp tục có những mổ xẻ làm rõ sâu kỹ hơn; đồng thời, có những phân tích cụ thể về các kiến nghị, đề xuất của chính quyền các địa phương, qua đó đề nghị UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan tập trung xem xét.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Nhật Lân
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh, việc thực hiện các cuộc Giám sát chuyên đề là nhằm đánh giá chính xác, sát đúng những tồn tại, hạn chế đang diễn ra trong thực tiễn, để từ đó, giúp UBND tỉnh cùng các cơ quan nhà nước có liên quan có những giải pháp tháo gỡ, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. “Sau cuộc họp này, đề nghị hai Đoàn Giám sát hoàn chỉnh nội dung báo cáo trình Thường trực HĐND tỉnh vào phiên họp giao ban thường kỳ hàng tháng, để Thường trực nghe và cho ý kiến trước khi trình ra kỳ họp thường lệ vào đầu tháng 12 để ban hành Nghị quyết về hai nội dung này” - đồng chí Nguyễn Nam Đình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc.
Nhật Lân