Theo Luật BHXH năm 2014, người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày được nghỉ việc chữa bệnh, hưởng chế độ ốm đau tối đa là 180 ngày.

Hết thời hạn 180 ngày trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Trong khi đó, theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, người lao động được nghỉ việc chữa bệnh hưởng chế độ ốm đau tối đa là 30 ngày nếu đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đóng từ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đóng đủ 30 năm trở lên.

Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ việc chữa bệnh hưởng chế độ ốm đau tối đa là 40 ngày nếu đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đóng từ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đóng đủ 30 năm trở lên.

Sau khi hưởng hết thời hạn tối đa trên, người lao động vẫn tiếp tục điều trị thì người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.

Mức hưởng chế độ ốm đau trong thời gian hưởng tối đa bằng 75% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Khi hưởng tiếp sau thời hạn tối đa, người lao động chỉ được hưởng 50%, 55% hoặc 65% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (tùy vào số năm đóng BHXH).

Theo một chuyên gia lao động, chế độ ốm đau ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, với quy định trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, quyền lợi của người lao động bị giảm sút nhiều.

lao-dong-le-anh-dung2-3276.jpg?width=0&s=xNvOYY2vcZUJUx0YVZrG8w
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cần hướng tới chế độ ốm đau tốt hơn cho người lao động. Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng

Dự thảo Luật quy định thời hạn hưởng chế độ ốm đau, người lao động mắc bệnh cần điều trị dài ngày chỉ được hưởng chế độ 75% tiền lương trong thời hạn tối đa là 30-70 ngày, sau đó chỉ được hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng thấp hơn là chưa hợp lý.

Trong khi theo quy định hiện hành, người lao động được hưởng chế độ ốm đau 75% tiền lương trong thời hạn tối đa đến 180 ngày. Sau thời hạn này mới hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng thấp hơn.

Khi người lao động rơi vào cảnh ốm đau, ngoài phải lo chi phí chữa trị thì phải lo toan cuộc sống gia đình và hồi phục sức khỏe. Do vậy, dự thảo Luật cần phải hướng tới chế độ tốt hơn cho người lao động thay vì quy định mức hưởng thấp hơn mức hiện hành.

Thiệt cho người lao động

Anh Lê Ngọc Quang (Quản lý một phân xưởng tại công ty sản xuất linh kiện thiết bị điện tại Khu Công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh) cho rằng, ốm đau là điều không ai mong muốn, nhưng khi chẳng may rơi vào ai thì cũng đều mong muốn có điều kiện chữa trị, nghỉ ngơi và bồi bổ sức khỏe tốt nhất.

Với đa số công nhân lao động ở các khu công nghiệp, do đồng lương thấp, nếu chẳng may rơi vào cảnh ốm đau, phải nghỉ việc dài ngày thì rất khó khăn, rất cần hỗ trợ từ chính sách BHXH.

“Có người ốm đau phải nghỉ 4-5 tháng để điều trị. Với mức trợ cấp hiện nay họ đã rất khó khăn, nên nếu Luật BHXH sửa đổi lại giảm trợ cấp tối đa thì họ không biết xoay xở thế nào để điều trị bệnh tật. Không ít người chưa khỏi bệnh phải cố gắng đi làm trở lại để lo kinh tế gia đình nên sức khỏe không đảm bảo”, anh Quang nêu.

Góp ý vào dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Dần (đại diện Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam) cho biết, trong dự thảo quy định người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 30 ngày trở lên/năm, trong 30 ngày đầu kể từ ngày kết thúc hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày.

Theo ông Dần, người ốm đau, sau phẫu thuật cần có thời gian theo dõi, khám lại, với quy định 30 ngày sau ốm đau là quá ngắn, do vậy cơ quan soạn thảo luật cần nghiên cứu nâng mức nghỉ ốm đau sau điều trị lên 60 ngày để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.