Sáng 8/12, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh đã trả lời ý kiến đại biểu phản ánh về việc thiếu thuốc và vật tư y tế trong khám, chữa bệnh.

bna-2240-01-6364.jpg

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 8/12. Ảnh: Thành Cường

Cảm ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh, cử tri tỉnh nhà về những quan tâm, lo lắng, trăn trở, động viên đối với ngành Y tế trong thời gian qua, PGS. TS Dương Đình Chỉnh thừa nhận, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, hóa chất ở các cơ sở y tế là thực trạng chung, thậm chí ở cả một số bệnh viện tuyến Trung ương, cũng như hiện có 11 tỉnh, thành đang rất báo động về việc thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Bộ Y tế đã có nhiều cuộc họp khác nhau để giải quyết, nhưng rõ ràng còn nhiều bất cập nhất định.

Đối với Nghệ An đến thời điểm này, Giám đốc Sở Y tế khẳng định, thiếu thuốc chỉ mang tính chất cục bộ, gần như các thuốc thiết yếu được cung ứng đầy đủ; đồng thời có thuận tiện là có thể điều phối thuốc giữa các cơ sở y tế với nhau một cách hợp lý. Việc thiếu thuốc chủ yếu rơi vào một số loại thuốc chuyên khoa hoặc những loại nhà thầu không nhập khẩu.

Tuy nhiên, lường trước được khó khăn trong năm 2023, chủ yếu do những nguyên nhân khách quan nên Sở Y tế đã gửi toàn bộ kế hoạch của tất cả các đơn vị (bệnh viện) cho UBND tỉnh để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Gói thuốc tập trung ở Sở Y tế sắp mở thầu, dự kiến ngày 1/1/2023 sẽ thực hiện gói thầu mới.

bna-2379-01-7625--n1.jpg

PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An giải trình tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 8/12. Ảnh: Thành Cường

Còn liên quan đến vật tư, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thừa nhận có những cái khó riêng, đặc biệt là vật tư chuyên biệt.

Ông dẫn chứng, vừa rồi tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh thiếu stent để đặt cho bệnh nhân tim mạch. Nguyên nhân do năm 2021 có khoảng 1.600 bệnh nhân phải đặt stent. Theo dự trù của bệnh viện năm 2022 đã đặt mua stent đáp ứng cho khoảng 2.500 bệnh nhân; tuy nhiên đến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2022 đã hết.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho biết: Câu chuyện thiếu stent này trước đây xử lý tương đối dễ nhưng bây giờ rất khó vay mượn do không được phép nữa. Hiện nay, bệnh viện đang sử dụng các quỹ nhân đạo để tạm thời mua đặt cấp cứu cho bệnh nhân; hoặc liên hệ với các bệnh viện tỉnh khác để chuyển bệnh nhân đến kịp thời. Trong vài ngày tới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh sẽ mở gói thầu stent.

Nêu ra dẫn chứng trên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Những khó khăn trong đấu thầu vật tư y tế là do quy trình phức tạp, liên quan đến nhiều sở, ngành nên ngành Y tế rất khó chủ động, trong đó khó nhất liên quan đến khâu thẩm định giá vì ít doanh nghiệp tham gia thẩm định giá. Ví dụ trước đây trên địa bàn Nghệ An có 4 doanh nghiệp thẩm định giá nhưng hiện nay chỉ còn 1 doanh nghiệp song cũng chỉ thẩm định được một vài gói thầu cơ bản.

Cùng với đó thông tin về hóa chất, về vật y tế tư trên Cổng thông tin của Bộ Y tế cũng chưa đầy đủ nên rất khó khăn trong việc tham khảo giá để thẩm định.

bna-2157-01-3042--n1.jpg

Các đại biểu dự họp tại phiên làm việc sáng 8/12. Ảnh: Thành Cường

Dự kiến trước những khó khăn này, ngành Y tế đã chủ động những công việc thuộc thẩm quyền. Bắt đầu từ quý II/2022 đã xây dựng kế hoạch đấu thầu cho tất cả các đơn vị; đồng thời đã thường xuyên bám sát, nắm bắt những khó khăn của tất cả các đơn vị để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.

Sở Y tế cũng đã có những giải pháp để nâng cao năng lực đấu thầu như: Tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác đấu thầu, xây dựng mẫu đấu thầu cho các đơn vị y tế.

Sở cũng đã lập 10 tổ chuyên gia và phân công nhiệm vụ từng tổ chuyên gia phụ trách từng đơn vị cụ thể để bám sát các đơn vị y tế, giúp đỡ họ trong quá trình triển khai đấu thầu; có văn bản gửi các sở, ngành liên quan.

PGS. TS Dương Đình Chỉnh cũng cho biết, sau Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo để các sở, ngành liên quan vào cuộc một cách quyết liệt và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng đề xuất thành lập trung tâm đấu thầu tập trung để đưa công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao về một mối, như Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên… đã làm để giảm gánh nặng cho cán bộ y tế, giúp họ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn hơn.

Dự báo thời gian tới chắc chắn ngành Y tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do cơ chế chính sách, văn bản quy định của pháp luật có chồng chéo hoặc không phù hợp thực tiễn nên cần có thời gian sửa đổi, Giám đốc Sở Y tế mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; cần sự ủng hộ, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, cũng như các địa phương; đặc biệt là cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ của các vị đại biểu HĐND tỉnh, cử tri tỉnh nhà để ngành Y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Liên quan đến chỉ tiêu tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ lớn hơn hoặc bằng 90% trong kế hoạch năm 2023 mà đại biểu băn khoăn, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Hiện nay tỷ lệ bác sĩ cơ hữu tại trạm y tế xã của Nghệ An khoảng 78%, cao hơn cả nước (đạt 72%). Tuy nhiên, ngành cũng đã huy động nhân lực, đặc biệt là nhân lực từ các Trung tâm Y tế, bệnh viện ở tuyến y tế cơ sở tăng cường cho trạm y tế xã nên tỷ lệ các trạm y tế có bác sĩ hiện đã đạt 91%. Ngành cũng đã xây dựng lộ trình và bố trí một số lượng y sĩ ở trạm y tế xã đi học lên bác sĩ, dự kiến cuối 2023, đầu 2024 sẽ tốt nghiệp và về công tác ở các trạm. Do đó, PGS. TS Dương Đình Chỉnh khẳng định, các đại biểu có thể yên tâm chỉ tiêu từ 90% trạm y tế trong tỉnh trở lên có bác sĩ cơ hữu; cộng với số bác sĩ được tăng cường thì tỷ lệ trạm có bác sĩ có thể đạt trên 95%.

Thành Duy