Còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức

bna-2210-01-5851.jpg

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh điều hành kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, đại biểu Trần Ngọc Sơn (huyện Tân Kỳ) nêu vấn đề, thông qua xét xử các vụ án của toà án, tỷ lệ vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai chiếm tỷ lệ cao với 30%.

bna-2272-01-6218--n1.jpg

Đại biểu Trần Ngọc Sơn (đơn vị Tân Kỳ) thảo luận về ý thức trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của cán bộ, công chức. Ảnh: Thành Cường

Nguyên nhân, ngoài việc trước đây thực hiện đo đạc thủ công dẫn đến sự sai lệch gây tranh chấp thì vấn đề quan tâm nhất là ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức không hướng dẫn cụ thể cho công dân trong quá trình làm hồ sơ thủ tục, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan, để rồi sau một thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra tranh chấp. Mặt khác, quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp dẫn đến tình trạng “môi giới”, “cò” cấp giấy hoặc cán bộ, công chức vòi vĩnh dẫn đến phạm tội.

Năm 2022, Toà án đã thụ lý, xét xử 6 vụ liên quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và áp dụng hình phạt từ 1 đến 6 năm tù.

bna-2288-01-7275.jpg

Đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) thảo luận về khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh: Thành Cường

Cũng quan tâm đến vấn đề đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, cấp “bìa đỏ” cho người dân, đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) nêu vấn đề: Hiện nay đơn thư khiếu nại, tố cáo được cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý có khoảng 80% liên quan đến đất đai và có những cán bộ, công chức thực thi công vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sai phạm và đã khởi tố.

Vì vậy kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh, đưa quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo sự minh bạch, thuận lợi cho người dân, đồng thời khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, sai phạm của cán bộ, công chức.

bna-2186-01-2266.jpg

Các đại biểu tham gia kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Địa phương sợ trách nhiệm trong xử lý thủ tục đất đai

Giải trình các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh nêu thuộc thẩm quyền, ông Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, hiện nay tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao với hơn 95%, còn gần 5% chưa được cấp.

Thông qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đối với nội dung này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 815 để giải quyết việc cấp giấy cho gần 5% trường hợp tồn đọng nói trên.

bna-2361-01-8809--n1.jpg

Ông Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các địa phương đang sợ trách nhiệm trong giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng. Ảnh: Mai Hoa

Quá trình triển khai, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 28 về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng và chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện.

Sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra hướng dẫn các địa phương, trong đó có 15/21 địa phương có số lượng tồn đọng lớn, Sở đã cử cán bộ đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm này, sau gần 1 năm thực hiện Kế hoạch số 815 của UBND tỉnh về giải quyết tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trách nhiệm của Sở đã hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao, tuy vậy tỷ lệ cấp giấy thuộc trách nhiệm của các địa phương vẫn đạt thấp.

Khó khăn nhất là việc xác nhận nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp tồn đọng, mặc dù các địa phương đều thành lập đoàn để kiểm tra, xác minh, tuy nhiên các địa phương đang sợ trách nhiệm trong vấn đề này nên ảnh hưởng đến tiến độ.

bna-maihoa-22ngay-thu-bay-vi-dan22-cua-chi-nhanh-van-phong-thanh-pho-vinh-1682.jpg

"Ngày thứ Bảy vì dân" trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của Chi nhánh Văn phòng thành phố Vinh. Ảnh: Mai Hoa

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, trên cơ sở hướng dẫn, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn từ các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp các sở liên quan để tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28.

Liên quan đến thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề về đất đai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận hiện nay còn phức tạp, rườm rà. Ông Hoàng Quốc Việt cũng cho rằng, thủ tục này được thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không thuộc trách nhiệm tham mưu của ngành. Song trên cơ sở tổng hợp từ thực tiễn, Sở sẽ phản ánh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, trong đó có rút ngắn thủ tục hành chính.

bna-mai-hoa-3401.jpg

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Mai Hoa

Ông Hoàng Quốc Việt cũng khẳng định, sau kỳ họp này, Sở tiếp tục tham mưu các giải pháp, lộ trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với số còn tồn đọng; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của các bộ, công chức, nhất là cấp cơ sở trong xử lý thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Mai Hoa