Chiều 8/12, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An đã tiến hành phiên chất vấn đối với nội dung về bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ cấu quy định của từng chương trình, dự án, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh và bền vững.

bna-2863-01-657--n1.jpg

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 8/12. Ảnh: Thành Cường

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các vị đại biểu HĐND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan.

NGHỆ AN ĐÁP ỨNG ĐỦ VỐN ĐỐI ỨNG

Đặc thù Nghệ An là tỉnh có diện tích miền núi rộng lớn (83% diện tích của tỉnh), dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh); đồng bào dân tộc thiểu số gần 500 ngàn người, chiếm khoảng 15% dân số toàn tỉnh và chiếm hơn 40% dân số trên địa bàn miền núi.

bna-2878-01-4473.jpg

Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An Trịnh Thanh Hải trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An được thực hiện trên địa bàn 11 huyện miền núi với 131 xã khu vực I và khu vực III; 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn nên có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Chính vì vậy, nội dung này, nhận được sự quan tâm, chất vấn sôi nổi của các đại biểu HĐND tỉnh, cụ thể đã có 11 đại biểu HĐND tỉnh nêu 18 câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Tài chính và các ngành liên quan.

Ông Trịnh Thanh Hải trả lời chất vấn về việc phân cấp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Clip: Lâm Tùng

bna-2940-01-5551.jpg

Đại biểu Vi Văn Quý (đại biểu Quỳ Hợp) nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Bà Quế Thị Trâm Ngọc (đại biểu Quỳ Châu) dẫn lại quy định của Thủ tướng Chính phủ, đối với các địa phương không bố trí đủ vốn đối ứng trong năm thì theo quy định khi phân bổ kế hoạch cho năm sau Trung ương sẽ trừ số vốn tương ứng mà địa phương còn thiếu; qua đó đề nghị cho biết tình hình triển khai của Nghệ An theo quy định trên như thế nào?

Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, việc bố trí vốn đối ứng của Nghệ An cho các chương trình mục tiêu quốc gia hoàn toàn đảm bảo nên không xảy ra trường hợp Nghệ An bị cắt vốn.

Ông nêu 3 lý do để minh chứng cho việc Nghệ An sẽ bố trí đủ vốn đối ứng. Trước hết là trong quá trình triển khai thực hiện, quan điểm chỉ đạo, điều hành xuyên suốt của lãnh đạo UBND tỉnh là ưu tiên bố trí vốn cho công trình, dự án thuộc các địa bàn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

bna-2643-01-503--n1.jpg

Đại biểu Moong Văn Tình (đại biểu Quế Phong) chất vấn Giám đốc Sở Tài chính. Ảnh: Thành Cường

Trên quan điểm đó, chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan đã tiến hành chủ động nắm bắt nhu cầu của địa phương, xây dựng các đề án, dự án, chương trình phù hợp, cùng nội dung, cùng mục tiêu với các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cũng cho biết thêm, các cấp chính quyền của tỉnh cũng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm bố trí vốn đối ứng khi triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời, tỉnh cũng rất quan tâm ban hành sớm các văn bản pháp lý giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương để phê duyệt các dự án và giao vốn để khẩn trương triển khai thực hiện.

Giai đoạn 2021 - 2025, Nghệ An triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kế hoạch vốn dự kiến là hơn 10.722 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí là hơn 7.595 tỷ đồng, kinh phí đối ứng địa phương phải bố trí là hơn 3.127 tỷ đồng (trong đó từ nguồn vốn đầu tư phát triển là gần 2.225 tỷ đồng; từ nguồn vốn sự nghiệp gần 706 tỷ đồng).

Trong đó, để thực hiện các chương trình, đề án, cơ chế chính sách trên địa bàn dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025, Nghệ An bố trí kinh phí đối ứng vốn sự nghiệp là 1.300 tỷ đồng, đảm bảo vượt tỷ lệ quy định của Trung ương; còn từ nguồn đầu tư phát triển khoảng 1.500 tỷ đồng.

Còn bà Trần Thị Thanh Huyền (đại biểu Thanh Chương) đề nghị cho biết việc tăng cường phân cấp, trao quyền, cũng như phân công nhiệm vụ rõ ràng thực hiện các nội dung hoạt động thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia?

bna-2925-01-5430.jpg

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải trả lời nội dung chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải khẳng định: Việc phân công, phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương các cấp là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành thống nhất và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp.

Hiện nay, UBND tỉnh đã hành quyết định ủy quyền cho chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã quyết định đầu tư các dự án thuộc nhóm C thuộc phạm vi một huyện, thành phố, thị xã mình quản lý sử dụng vốn chương trình mục tiêu quốc gia có tổng mức dưới 15 tỷ đồng.

Riêng liên quan về thanh quyết toán, Sở Tài chính đã tham mưu theo hướng rút gọn, cụ thể là phân cấp cho UBND cấp xã thẩm tra việc quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí thực hiện theo cơ chế đặc thù có tổng mức từ 500 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng và cho phép UBND cấp xã không thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đối với các công trình có tổng mức dưới 500 triệu đồng mà tổng hợp quyết toán ngân sách theo niên độ và báo cáo UBND cấp huyện tổng hợp quyết toán theo quy định.

bna-2982-01-2258.jpg

Bà Nguyễn Thị Anh Hoa (đại biểu Diễn Châu) phát biểu chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Trả lời bà Nguyễn Thị Anh Hoa (đại biểu Diễn Châu) về cơ chế điều hành tỷ lệ đối ứng 10% ở các cấp ngân sách để đảm bảo tính khả thi, trong khi các địa phương được thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn, nguồn lực hạn chế? Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết: Về nguyên tắc việc bố trí vốn đối ứng thực hiện ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); tuy nhiên đối tượng thụ hưởng chương trình tập trung chủ yếu vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số là chính cho nên ngân sách cấp huyện, cấp xã không thể có đủ nguồn lực để đối ứng theo quy định.

Trong bối cảnh đó, ông Trịnh Thanh Hải cho biết, ngân sách tỉnh đứng ra bố trí đối ứng là chủ yếu theo cách thức tính toán lồng ghép nguồn vốn đầu tư bố trí thực hiện cơ chế, chính sách do địa phương ban hành.

Về định hướng thời gian tới, ông Trịnh Thanh Hải nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện cơ chế lồng ghép để đảm bảo nguồn vốn đối ứng, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ từ Trung ương, cũng như tránh được đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí.

bna-2992-4835.jpg

Bà Lô Thị Kim Ngân (đại biểu Thanh Chương) phát biểu chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Liên quan đến ý kiến của bà Lô Thị Kim Ngân (đại biểu Thanh Chương) đề nghị cho biết giải pháp chấm dứt tình trạng công trình dang dở, kéo dài; cũng như việc chậm thanh quyết toán các công trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số? Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết, sẽ rà soát lại các dự án, chương trình mà Sở trước đây đã tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn vốn thực hiện, tránh việc chậm thanh toán, tạm ứng xong nhưng không triển khai thực hiện, gây nên tình trạng dàn trải, lãng phí.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An Nguyễn Xuân Đức cho biết: Các dự án thi công kéo dài đến nay chưa hoàn thành chủ yếu được phê duyệt trước Luật Đầu tư công có hiệu lực. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư công ban hành, có hiệu lực tình trạng này được khắc phục hoàn toàn.

bna-2963-02-6307.jpg

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Ông Nguyễn Xuân Đức cũng cho biết thêm: Nguyên tắc bố trí của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này được Trung ương, tỉnh quy định rất rõ là thực hiện trả nợ, quyết toán cho các dự án hoàn thành; thực hiện các dự kéo dài; tiếp đó mới bố trí các dự án khởi công mới. Do đó, các dự án kéo dài sẽ được bố trí vốn để hoàn thành.

TRIỂN KHAI ĐÚNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT, ĐẢM BẢO NHANH, HIỆU QUẢ

Phát biểu kết luận chất vấn nội dung này, thay mặt chủ tọa kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá các đại biểu HĐND tỉnh nêu câu hỏi gọn, rõ, đúng phạm vi. Lãnh đạo Sở Tài chính và một số sở, ngành liên quan đã trả lời cơ bản đầy đủ, nắm khá chắc lĩnh vực của ngành mình quản lý.

bna-2842-01-4075.jpg Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu kết luận nội dung chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đánh giá, phiên chất vấn cũng đã làm rõ tính hiệu quả, ý nghĩa, vai trò quan trọng đối với các chương trình mục tiêu quốc gia với khu vực đồng bào dân tộc, miền núi của tỉnh; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh đối với khu vực này, qua đó mang lại sự ổn định, phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, quốc phòng, an ninh đảm bảo và giữ yên biên giới, đảm bảo an ninh nội địa, cùng với miền xuôi đưa cả tỉnh phát triển.

Tuy nhiên, nhìn lại thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá, việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm mà qua chất vất, trao đổi, ý kiến nêu và đánh giá tình hình đã chỉ ra.

Trong đó, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở khu vực này, mặc dù có yếu tố khách quan là Trung ương giao vốn chậm, song về chủ quan theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh việc triển khai ở tỉnh cũng rất chậm, thậm chí có những lúc bị Trung ương nhắc nhở.

Qua đó cho thấy vai trò của cơ quan tổng hợp, các cơ quan chủ trì tham mưu như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở LĐ -TB&XH trong việc triển khai các nội dung yêu cầu của các bộ, ngành, Chính phủ về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa thực sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn. Một bộ phận các huyện, các đơn vị cũng chậm lập danh mục dự án.

“HĐND tỉnh đề nghị hệ thống chính trị, nhất là chính quyền các cấp phải triển khai đúng quy định pháp luật, nhưng phải đảm bảo nhanh, hiệu quả, theo kịp yêu cầu của Trung ương để tận dụng tối đa cơ hội, sớm triển khai, sớm có công trình, sớm có sản phẩm có chất lượng, đúng tiến độ để phục vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi”, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu.

bna-2605-01-6029.jpg Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cũng nêu lên thực tiễn bây giờ còn nhiều công trình tồn đọng, dở dang, vì có một giai đoạn thực hiện đầu tư dàn trải; muốn triển khai một mục nhiều dự án, trong khi nguồn vốn bố trí không đảm bảo triển khai.

Từ bài học trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh đã thay đổi mạnh mẽ trong đầu tư công theo phương châm có trọng tâm, trọng điểm, “làm việc nào xong việc đó, dự án nào xong dự án” để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, tránh dàn trải, mỗi nơi một tí, cuối cùng là dở dang.

Cùng với đó, người đứng đầu HĐND tỉnh cũng chỉ rõ, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng, vi phạm chưa quyết liệt nên nhiều cái chưa giải quyết được; một số công trình dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lựa chọn không phù hợp.

Trên cơ sở phân tích kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, cũng như quan điểm mạnh mẽ, quyết liệt, được xem là “cuộc cách mạng” trong quan điểm phân bổ nguồn lực đầu tư công của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý thay mặt chủ tọa kỳ họp và kỳ họp đề nghị UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cùng với các cấp, các ngành nghiên cứu tổ chức thực hiện một số giải pháp để thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Trước hết, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới, có nhiều nội dung, gồm có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư; nhiều đầu mối quản lý gồm 8 sở, ngành và 12 huyện, thị xã. Vì vậy, cần đảm bảo tuân thủ các quy định phát luật về các chương trình dự án đầu tư gắn với thực hiện nhanh, phối hợp nhuần nhuyễn để chương trình đến với người dân nhanh nhất, đúng quy định pháp luật, đúng tiến độ, chất lượng.

bna-2658-01-5593.jpg Các đại biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chính sách do Trung ương đã ban hành đối với vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về quản lý quy hoạch, thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng này gắn liền với các chương trình dự án.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành với chính quyền địa phương cấp huyện, xã và các cơ quan liên quan; tích cực, chủ động nâng cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả việc bố trí lồng ghép các nguồn vốn đối ứng của tỉnh trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó tăng cường công tác quản lý Nhà nước về việc triển khai thực hiện bố trí nguồn vốn. Điều chỉnh các chương trình, dự án cho phù hợp với thực tế; đảm bảo khoa học, hợp lý, phục vụ nhu cầu của nhân dân về phát triển kinh tế - vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Chủ tịch HĐND tỉnh đồng tình với ý kiến đại biểu và giải trình của các ngành là chương trình, dự án nào thực hiện chậm, không đảm bảo tiến độ vì lý do chủ quan đề nghị điều chỉnh sớm, “đừng để đẻ non rồi để đó” không hoàn thành được, gây lãng phí nguồn lực, không đóng góp vào sự phát triển vùng. “Đề nghị cấp ủy, chính quyền và các vị đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh khi cần thiết”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Thành Duy