bna_3853.jpg
Các đồng chí chủ tọa, điều hành kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Phiên thảo luận tại hội trường, trên cơ sở ý kiến thảo luận tổ của các đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nêu một số vấn đề đề nghị người đứng đầu ngành Tài chính giải trình làm rõ liên quan đến tình trạng nợ đọng thuế cao; việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân chưa đáp ứng yêu cầu; kiến nghị để lại nguồn thu ngân sách từ thủy điện, khai thác khoáng sản cho các địa phương tái đầu tư cơ sở hạ tầng…

bna_3930.jpg
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải giải trình làm rõ một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Thành Cường

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải khẳng định: Công tác thu thuế và thu hồi nợ đọng thuế tiếp tục được ngành triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm nợ đọng thuế 2.300 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023; tuy nhiên, tổng nợ đọng vẫn còn cao với gần 3.300 tỷ đồng.

Nguyên nhân nợ đọng thuế tăng cao trong 2 năm gần đây là do cách hạch toán, tổng hợp nợ đọng thuế được cộng thêm nợ từ bất động sản mà thời gian trước được tổng hợp riêng.

Trong gần 3.300 tỷ đồng nợ thuế có hơn 1.000 tỷ đồng nợ tiền sử dụng đất; hơn 1.100 tỷ đồng là tiền chậm nộp và hơn 650 tỷ đồng nợ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Giải pháp cho câu chuyện này là tiếp tục triển khai các giải pháp để truy thu nợ đọng thuế.

bna_3924.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến kiến nghị để lại nguồn thu ngân sách từ thủy điện và khai thác khoáng sản cho các địa phương có dự án thủy điện và khai thác khoáng sản tái đầu tư cơ sở hạ tầng, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, từ ý kiến của các địa phương đã được UBND tỉnh tiếp thu, đưa vào nội dung trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An về cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện và hoạt động khai thác khoáng sản. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành triển khai áp dụng trong thời gian tới.

Thừa nhận thực tiễn hiện nay, kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết: Nguồn lực bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đầu tư phát triển do địa phương ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay khá lớn, hơn 3.500 tỷ đồng; trong khi đó nguồn ngân sách Trung ương không bổ sung và ngân sách tỉnh trong thời kỳ ổn định ngân sách, nên rất khó để tăng mức hỗ trợ. Vì vậy, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách, các địa phương cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong thực hiện chính sách có trọng tâm, trọng điểm.

Giám đốc Sở Tài chính cũng trả lời ý kiến của đại biểu Hà Thị Phương Thảo (huyện Nghĩa Đàn) liên quan đến chuyển đổi công năng sử dụng cơ sở vật chất dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.

Giám đốc Trịnh Thanh Hải cho rằng: Việc xây dựng phương án xử lý tài sản công dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập khối, xóm, thôn, bản do cấp xã và cấp huyện đề xuất như sau: Hiện nay, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở Tài chính đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt đạt 97%; khi phương án đã được phê duyệt, yêu cầu các địa phương cần phải thực hiện đúng phương án; còn nếu không phù hợp công năng của mục đích sử dụng mới thì cải tạo, sửa chữa bằng các nguồn kinh phí đã được quy định tại Nghị quyết số 20 ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh. Đây là vấn đề cần lưu ý để rút kinh nghiệm xây dựng phương án xử lý tài sản công dôi dư cho giai đoạn sáp nhập 2023 - 2025.

Mai Hoa