Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An trả lời chất vấn về sắp xếp đơn vị hành chính và phương án cho gần 800 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư
Sáng 11/7, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa, điều hành kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Giảm 1 thị xã và 48 xã, phường, thị trấn
Giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An có 1 đơn vị hành chính cấp huyện không đủ tiêu chí theo quy định và thuộc diện phải sắp xếp là thị xã Cửa Lò. UBND tỉnh đã xây dựng phương án sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và điều chỉnh một phần huyện Nghi Lộc bao gồm 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong vào thành phố Vinh.
Nghệ An từ 21 đơn vị hành chính cấp huyện, sau sắp xếp sẽ còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện (17 huyện, 1 thành phố thuộc tỉnh và 2 thị xã), giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Cửa Lò.
Đối với cấp xã, Nghệ An sẽ sắp xếp 92 đơn vị hành chính thành lập 44 đơn vị hành chính (trong đó 43 đơn vị thành lập mới có 1 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số). Sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 48 đơn vị hành chính, từ 460 đơn vị hành chính cấp xã (411 xã, 32 phường, 17 thị trấn) xuống còn 412 đơn vị hành chính cấp xã (362 xã, 33 phường, 17 thị trấn).
Hiện nay, các đề án về mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đã trình Bộ Nội vụ thẩm định để trình Chính phủ. Dự kiến trong tháng 10/2024, trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua, làm cơ sở pháp lý để tỉnh thực hiện.
Theo tính toán của ngành Nội vụ, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo phương án trên dự kiến sẽ dôi dư hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức hiện có trước khi sắp xếp của thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò là 623 người, dự kiến bố trí cán bộ, công chức, viên chức là 416 người, số lượng dôi dư là 207 người.
Còn ở cấp xã, sau khi thực hiện sắp xếp, dự kiến tiếp tục bố trí 913 người (cán bộ là 514 người, công chức là 399 người) tại các xã mới theo quy định; còn dôi dư 799 người (cán bộ 374 người, công chức 425 người).
Số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sáp nhập ở cấp huyện, cấp xã sẽ thực hiện giảm dần trong thời gian 60 tháng theo quy định.
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dự kiến bố trí 541 người; số còn dôi dư sẽ cho nghỉ và giải quyết chế độ theo quy định theo Nghị quyết HĐND tỉnh về hỗ trợ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đã trả lời ý kiến các đại biểu liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Lộ trình giải quyết cán bộ dôi dư trong 5 năm
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đã trả lời ý kiến các đại biểu liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là 207 người sau khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh đã xây dựng phương án và lộ trình giảm, cụ thể năm 2025 là 44 người, năm 2026 là 39 người, năm 2027 là 42 người, năm 2028 và 2029, mỗi năm 41 người.
Đối với 799 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp, phương án, lộ trình giảm, cụ thể là năm 2025 là 297 người, năm 2026 là 129 người, năm 2027 là 111 người, năm 2028 là 119 người và năm 2029 là 143 người.
Hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã trên sẽ giảm theo các hình thức như: nghỉ hưu đúng độ tuổi; nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP; chuyển việc khác hoặc đơn vị khác khi còn thiếu biên chế.
“Đây là lộ trình và phương án được thống kê, phân tích cụ thể trong quá trình xây dựng đề án trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị. Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tùy tình hình thực tiễn hàng năm, trong quá trình triển khai, các địa phương sẽ điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo giải quyết trong vòng 5 năm theo quy định”, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An nói.
Không thu các loại phí, lệ phí khi thay đổi giấy tờ
Tại phiên làm việc đã có 16 lượt đại biểu phát biểu chất vấn và tranh luận các vấn đề xoay quanh lộ trình thực hiện, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người dân bị ảnh hưởng;…
Đại biểu Nguyễn Thị Hương, Tổ đại biểu huyện Hưng Nguyên đề nghị cho biết các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc thay đổi giấy tờ thuận lợi sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, 3 nội dung và đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt và thực hiện. Cụ thể theo quy định: Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Do đó, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chuyên môn của ngành, liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó có chuyển đổi giấy tờ.
Đại biểu Lữ Thị Khuyên đặt câu hỏi: Chính sách đối với các xã và cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân ở các xã có chính sách đặc thù bị sáp nhập vào xã không có chính sách đặc thù thì được thực hiện thế nào sau khi sáp nhập?
Về nội dung này, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp đã quy định cụ thể, theo đó:
Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mà không làm thay đổi tên gọi, địa giới của đơn vị hành chính cấp xã thì tại các đơn vị hành chính cấp xã vẫn được áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù như trước khi thực hiện sắp xếp.
Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã mà không làm thay đổi phạm vi của xóm, khối thì tại xóm, khối vẫn được áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù như trước khi thực hiện sắp xếp.
Khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà làm thay đổi tên gọi, địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, phạm vi xóm, khối thì việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù được thực hiện như sau:
Người dân trên địa bàn xóm, khối của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã được thay đổi tên gọi, điều chỉnh nguyên trạng vào một đơn vị hành chính cấp huyện thì cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại đơn vị hành chính đó tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực, hoặc theo vùng như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Thời gian hưởng các chế độ, chính sách đặc thù quy định nêu trên kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định mới. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành rà soát, công nhận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định, công nhận việc hưởng các chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp…
Chia sẻ với áp lực của cán bộ, công chức cấp xã
Đề cập đến công việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đại biểu Mong Văn Tình, Tổ đại biểu huyện Quế Phong đề nghị cho biết, giải pháp của tỉnh trước thực trạng mỗi công chức hiện nay đang phụ trách nhiều công việc?
Chia sẻ với áp lực công việc của đội ngũ công chức cấp xã, tuy nhiên theo Giám đốc Sở Nội vụ, hiện số lượng và nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã được quy định cụ thể tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP. Vì vậy, việc một công chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ là không có mà nhiệm vụ đó được quy định tại Nghị định. Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức cấp xã thực hiện đúng thẩm quyền.
Sau phần giải trình trên, đại biểu Mong Văn Tình tiếp tục tranh luận và đề nghị cho biết giải pháp giúp các công chức nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong thời gian tới. Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An chia sẻ với trăn trở của đại biểu và đây cũng là vấn đề mà ngành đau đáu. Vì vậy, để giảm áp lực, nâng cao hiệu quả công việc, giải pháp quan trọng là phải tập trung cải cách hành chính; đồng thời trên cơ sở nhiệm vụ đã được phân cấp, UBND các huyện điều chỉnh phù hợp số lượng công chức giữa các khâu để đảm bảo hiệu quả công việc; gắn với bồi dưỡng, đào tạo và có các hình thức khuyến khích, động viên phù hợp.
Trả lời đại biểu Lê Thị Kim Chung, Tổ đại biểu huyện Quỳnh Lưu, về chính sách cho cán bộ không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ chủ trì tham mưu Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Sở Nội vụ đã dự thảo Nghị quyết để trình UBND tỉnh trong phiên họp thường kỳ tháng 7/2024 và sẽ trình HĐND tỉnh ban hành trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết.
2 bài học kinh nghiệm về đặt tên đơn vị hành chính mới
Đề cập đến vấn đề thời sự thời gian qua, đại biểu Phạm Thành Chung, Tổ đại biểu huyện Tân Kỳ nêu ý kiến: Vừa qua, việc dự kiến đổi tên đơn vị hành chính khi tiến hành sắp xếp ở một số nơi đã gặp nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, cũng như từ phía người dân chịu ảnh hưởng, không ít người bị tác động về tâm lý, gây xáo trộn đến sinh hoạt, sản xuất cũng như tâm tư, tình cảm của cộng đồng dân cư. Đại biểu đặt câu hỏi, Giám đốc Sở Nội vụ đánh giá vấn đề này như thế nào và phương án của ngành trong thời gian tới?
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, vừa qua trong tất cả các cuộc họp lãnh đạo tỉnh và ngành đều đề nghị các địa phương khi đặt tên cho các đơn vị thuộc diện sắp xếp cần quan tâm đến yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống, vùng miền, liền địa… để đảm bảo tên gọi cho phù hợp; đồng thời khuyến khích lấy tên của một trong các đơn vị sáp nhập để giảm thiểu việc đổi tên giấy tờ của người dân và phải đảm bảo sự đồng thuận của trên 50% cử tri ở các địa phương liên quan.
Từ thực tiễn vừa qua, lãnh đạo Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng, trước hết phải tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được chủ trương, chính sách; trước khi đặt tên phải bàn bạc kỹ, phân tích thấu đáo, cụ thể, nghiên cứu kỹ yếu tố văn hóa, truyền thống, lịch sử, tính đặc thù để có tên có ý nghĩa và được sự đồng thuận của Nhân dân.